Một người đàn ông ở thành phố Leon, vùng tây bắc của Tây Ban Nha, vừa được chẩn đoán mắc bệnh sốt xuất huyết Crimean-Congo (CCHF) sau khi bị bọ ve cắn.
Người bệnh đã nhập viện tuần trước ở Leon, sau đó, được chuyển đến một bệnh viện khác vào ngày 21/7.
Các nhà chức trách Tây Ban Nha thông tin, nam bệnh nhân "vẫn ở trong tình trạng ổn định dù triệu chứng lâm sàng của bệnh nghiêm trọng”.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông tin, tỷ lệ tử vong khi mắc sốt xuất huyết Crimean-Congo là 30%.
Theo Mirror, một loạt các triệu chứng bao gồm chảy máu mắt, đau dạ dày, đau đầu và nôn mửa. Bệnh nhân cũng có thể bị đau khớp, vàng da, thay đổi tâm trạng và mắt đỏ trong giai đoạn đầu.
Khi virus tiến triển, biểu hiện bệnh trở nên trầm trọng hơn bao gồm các vùng bầm tím lan rộng và chảy máu cam.
Dấu hiệu nhiễm bệnh thường xuất hiện đột ngột. Nhiều người chết vì virus trong vòng 2 tuần sau khi chẩn đoán.
Hiện có rất ít thông tin về các giai đoạn phục hồi, nhưng quá trình này thường chậm.
Sốt xuất huyết Crimean-Congo được phát hiện lần đầu tiên ở Crimea vào năm 1944 và là bệnh đặc hữu ở châu Phi, châu Á, Trung Đông và Balkan.
Các trường hợp ở châu Âu rất hiếm gặp. Kể từ năm 2011, chỉ có 3 ca bệnh ở Tây Ban Nha.
Vào tháng 3, một phụ nữ Anh được chẩn đoán mắc bệnh. Đây là trường hợp thứ tư ở Anh kể từ năm 2012. Cô đã được điều trị tại London.
Vào thời điểm đó, Tiến sĩ Susan Hopkins, cố vấn y tế chính của Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh, đánh giá, virus "không dễ lây lan từ người sang người và nguy cơ đối với cộng đồng rất thấp”.
Virus này thường do bọ ve và vật nuôi truyền sang người qua vết cắn. Bệnh có thể truyền giữa người với người qua máu hoặc chất dịch cơ thể của người bệnh.
Hiện tại, không có loại thuốc đặc trị cũng như không có vắc xin chống lại loại sốt xuất huyết trên.