Bệnh nhân nam, 63 tuổi, hẹp lỗ liên hợp, xẹp đĩa đệm cột sống thắt lưng, chèn ép rễ thần kinh. Nếu không điều trị kịp thời, đầu tiên bệnh nhân có thể chỉ xuất hiện triệu chứng đau, nhưng lâu dài có nguy cơ dây thần kinh bị thiếu máu, gây rối loạn tiền cảm giác, tê bì thường xuyên, rối loạn vận động. Thậm chí, bệnh có thể gây liệt vận động do dây thần kinh chi phối.
Chiều 29/2, bệnh nhân được thầy thuốc từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Singapore phẫu thuật lấy đĩa đệm, ghép xương liên thân đốt đường bên ít xâm lấn (OLIF), giúp giải phóng dây thần kinh.
Tiến sĩ Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết đây được xem là kỹ thuật ít xâm lấn nhất hiện nay. "Càng ít xâm lấn thì thời gian hồi phục càng nhanh, tiết kiệm nhiều chi phí. Sau mổ 3 ngày, bệnh nhân có thể hồi phục và ra viện", bác sĩ Hùng nêu rõ ưu thế của kỹ thuật bên lề buổi tập huấn bồi dưỡng ngắn hạn về phương pháp này.
PGS.TS Đinh Ngọc Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật Cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết phương pháp này được nhiều quốc gia thực hiện. Tại Việt Nam, đây là đơn vị đầu tiên triển khai và áp dụng kỹ thuật mới này.
Vị bác sĩ cho hay già hóa dân số, các nhóm bệnh do lão hóa, thoái hóa ngày một gia tăng và là thách thức lớn với y tế. Trong lĩnh vực cột sống, bệnh thoái hóa cột sống, vẹo cột sống do thoái hóa, hẹp ống sống thắt lưng đa tầng là những bệnh lý thường gặp, đặc biệt ở người lớn tuổi. Bệnh gây những cơn đau đớn dai dẳng, hạn chế vận động, thậm chí liệt chi thể và gây ảnh hưởng trầm trọng đến chất lượng cuộc sống.
Trước đây, việc phẫu thuật cho bệnh nhân cao tuổi, nhiều bệnh nền, chất lượng xương cột sống suy yếu luôn là thách thức lớn, gây khó khăn cho cuộc mổ, ảnh hưởng sức khỏe người bệnh về sau và khả năng phục hồi vận động, liền xương rất kém.
Để xử lý những bệnh lý cột sống nêu trên, thầy thuốc cần phải phẫu thuật mổ mở đường sau, với vết mổ rất dài, đục bỏ toàn bộ hệ thống xương cột sống phía sau, lấy bỏ toàn bộ đĩa đệm, bắt vít và tái cấu trúc toàn bộ đoạn cột sống thắt lưng.
Bác sĩ Sơn cho biết OLIF là kỹ thuật mới, lần đầu được báo cáo năm 2012. Kỹ thuật này sử dụng đường trước bên và không gian giải phẫu phía trước cơ thắt lưng chậu để tiếp cận trực tiếp vào khoang đĩa đệm. Do đó kỹ thuật không làm tổn thương cơ thắt lưng chậu, không phải đục bỏ toàn bộ hệ thống xương cột sống phía sau.
Kỹ thuật này cũng hạn chế mất máu, tỷ lệ tổn thương thần kinh thấp, tỷ lệ liền xương cao, hồi phục nhanh, hạn chế xơ dính thần kinh sau mổ mà vẫn đảm bảo hiệu quả giải ép và liền xương.
Tuy nhiên, điểm hạn chế lớn nhất của kỹ thuật là phẫu thuật đường chếch bên đòi hỏi bác sĩ phẫu thuật phải rất có kinh nghiệm, làm chủ hoàn toàn các kỹ thuật khi can thiệp cột sống gần các mạch máu lớn, các tạng trong ổ bụng và thành thạo các kỹ thuật can thiệp đường bên. Đó chính là lý do kỹ thuật mổ vẫn chưa được phổ biến tại Việt Nam.