Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) chia sẻ, thời gian qua, các bệnh viện lớn như Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy lên tiếng rất nhiều về vấn đề mua sắm, đấu thầu, bởi sức ép đè nặng lên cơ sở y tế tuyến cuối sau dịch rất lớn.
Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ ban hành đã cơ bản tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình đấu thầu mua sắm, sửa chữa trang thiết bị y tế và vật tư y tế. Cụ thể như, ngay lập tức tháo gỡ số giấy phép lưu hành của hóa chất và vật tư y tế tiêu hao; tháo gỡ quy định 3 báo giá; máy đặt máy mượn…
Trước khi có 2 văn bản trên, 57% các gói thầu vật tư y tế bị vướng mắc do quy định về bảng báo giá. “Đã có khoảng 2 tuần, Bệnh viện Chợ Rẫy không thể đặt stent mạch vành theo chương trình vì không mua sắm được, chỉ đặt stent cấp cứu. Nghị định 07 giúp cho hàng loạt vật tư y tế được thông quan ồ ạt, giải tỏa được tình trạng thiếu thốn”, bác sĩ Thức nói.
Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đang triển khai tiếp các gói thầu để sửa chữa máy móc, trang thiết bị hư hỏng, cần thay thế linh kiện còn lại. Dự kiến trung tuần tháng 4 sẽ đưa các máy còn lại vào hoạt động. Các hoạt động mời thầu mua sắm vật tư tiêu hao đang được gấp rút triển khai.
Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy gửi lời cảm ơn đến Chính phủ, lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Tài chính và các bộ liên quan đã ra sức giải quyết những khó khăn, ban hành của ngành y tế bằng các văn bản vừa qua.
Tuy nhiên, ông Thức bày tỏ nhiều nỗi băn khoăn. Theo đó, Nghị quyết 30 gỡ khó cho 3 bảng báo giá, nhưng bệnh viện không thể xác nhận bảng này có đúng không, có chênh lệch nhiều hay không. Bệnh viện cũng không thể thẩm định, không biết được giá mua sắm gấp bao nhiêu lần giá hải quan. Nếu sau này cơ quan điều tra xác định giá trúng thầu chênh lệch 5-7 lần thì rất khó cho bệnh viện.
Một bất cập khác là việc nhiều thiết bị chưa niêm yết giá, bệnh viện không so sánh được. Nếu mua xong rồi mới có giá niêm yết thấp hơn, bệnh viện lại thành vi phạm.
Từ những băn khoăn trên, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy mong cơ quan chức năng có các quy định mang tính chất bắt buộc hơn về quản lý giá thiết bị y tế, niêm yết giá, để vấn đề giá chuẩn chỉnh hơn, giúp bệnh viện tránh được rủi ro. Về lâu dài, cần điều chỉnh theo hướng luật hóa các quy định, văn bản để tháo gỡ triệt để tình trạng thiếu máy móc, trang thiết bị, vật tư y tế.
Ông Thức đề xuất, Luật Đấu thầu đang sửa đổi nên chia hàng hóa trong lĩnh vực y tế thành nhóm đặc biệt, không thể chung với các hàng hóa khác. Bởi lẽ, hàng hóa trong y tế liên quan đến sinh mạng con người. Đồng thời, nên có 1 chương đấu thầu riêng cho y tế, quy định rõ như thế nào là một tình huống khẩn cấp trong y khoa.
Ông dẫn chứng, vụ ngộ độc Botulinum tại tỉnh Quảng Nam là một tình huống khẩn cấp. Nếu Bệnh viện Chợ Rẫy không có thuốc giải, 3 bệnh nhân ngộ độc nặng nhất sẽ tử vong. Vì thế, tình huống vô cùng khẩn cấp tương tự cần phải có quy định rõ ràng để giúp những nhà quản lý bệnh viện được mua phép mua sắm cứu người.
Ngoài ra, trong thời gian chờ sửa Luật Đấu thầu, bác sĩ Thức đề xuất Quốc hội có thể ra một nghị quyết tạm thời cho phép các bệnh viện giải quyết các vấn đề cấp bách về trang thiết bị cho đến khi sửa luật. Việc này tạo hành lang pháp lý cho các bệnh viện mua sắm đấu thầu và tránh được tiêu cực.
Song song đó, nên có các quy định rõ về các gói thầu bảo trì, bảo dưỡng trang thiết bị. Thực tế để thực hiện gói đấu thầu về bảo trì, bảo dưỡng hoàn toàn cho máy rất khó khăn, bởi nhiều hệ thống máy hiện đại, chuyên sâu chỉ có 1 nhà cung cấp. Các hãng khác sửa không được, nhưng nếu bệnh viện mua gói sửa chữa hoàn toàn của một nơi, rất dễ bị đặt vào thế sai phạm về "chỉ định thầu".
Ông Thức cũng bày tỏ, Nghị quyết 30 đã cho phép hội đồng kỹ thuật tự quyết về cấu hình trang thiết bị, nghĩa là đã mở ra cho các nhà chuyên môn quyền mua sắm không dựa vào giá rẻ nhất mà phải là phù hợp nhất.
"Hy vọng sau này, các quy định ban hành tiếp theo vẫn tôn trọng quyết định chuyên môn của nhà quản lý", bác sĩ Thức bày tỏ.