Sáng 24/8, bác sĩ Trần Ngọc Hải, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) nhìn nhận có xảy ra việc rò rỉ thông tin của các sản phụ. Ngay sau phản ánh của báo VietNamNet, Ban giám đốc Bệnh viện Từ Dũ đã tiến hành 3 cuộc họp nội bộ.
“Trong sáng nay, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo bệnh viện làm rõ và báo cáo vụ việc. Điều này nói lên sự quan tâm đến an toàn của phụ nữ mang thai sinh con, bởi đây đối tượng yếu thế cần được quan tâm, bảo vệ, đặc biệt trong thời đại 4.0”, bác sĩ Trần Ngọc Hải nói.
Ông Hải đánh giá việc rò rỉ thông tin bệnh nhân là sự cố về truyền thông, nếu xử lý không khéo sẽ trở thành khủng hoảng, ảnh hưởng uy tín thành phố, đến ngành y tế và đặc biệt là Bệnh viện Từ Dũ.
Theo đó, bệnh viện xác định các nhóm nguyên nhân có thể gây ra tình trạng trên.
Về nguyên nhân khách quan, Bệnh viện Từ Dũ Đây cũng như nhiều cơ sở khác, có hệ thống tiện ích cung cấp thông tin cho người bệnh/sản phụ. Hệ thống này có danh sách bệnh nhân cũng như số điện thoại.
Cụ thể như tổng đài nhắn tin về diễn tiến trong quá trình nằm viện, điều trị; trong lúc sinh; sau khi mổ; hoặc khi trẻ sơ sinh cần nằm viện mà người nhà chưa được tiếp cận. Ví dụ, ngay khi sản phụ vừa sinh con, số điện thoại của người nhà (đăng ký trước đó) sẽ nhận được tin nhắn thông báo giờ sinh, cân nặng, giới tính của trẻ.
Ngoài ra, bệnh viện còn có tổng đài đăng ký khám chữa bệnh hay liên kết với một số ngân hàng để triển khai tiện ích giao dịch không dùng tiền mặt. Tất cả các đối tác này đều phải thực hiện điều khoản bảo mật không được chuyển thông tin người bệnh cho bên thứ 3.
Về nguyên nhân chủ quan, ông Hải cho rằng bản thân khách hàng/sản phụ cũng có thể đã cung cấp số điện thoại cho các đơn vị khuyến mãi trong quá trình mua sắm chuẩn bị cho trẻ sơ sinh. Hoặc, có thể là sự dễ dãi của nhân viên y tế ở một số bộ phận, có thể lộ trong khi mang hồ sơ bệnh án đi đóng dấu...
Bệnh viện xác định, mấu chốt quan trọng nhất là số điện thoại – thông tin này hiển thị ngay trang bìa của hồ sơ bệnh án. Hồ sơ bệnh án được quản lý rất chặt – được xếp vào hồ sơ mật, chỉ người có trách nhiệm mới tiếp cận.
“Dù chưa xác định chính xác có phải do bệnh viện hay không, nhưng sản phụ bị gọi điện, làm phiền nghĩa là sự hài lòng chưa đạt. Rò rỉ thông tin cá nhân ảnh hưởng đến người bệnh, uy tín bệnh viện và cả ngành y tế. Chúng tôi ngay lập tức siết chặt bảo mật thông tin người bệnh”, ông nói.
Do đó, Bệnh viện Từ Dũ đã mã hóa toàn bộ số điện thoại của bệnh nhân trên hồ sơ bệnh án, bao gồm cả bệnh án giấy. Ngoài ra, tăng cường bổ sung các quy trình, phân quyền tiếp cận số liệu trên hệ thống điện tử, chỉ Giám đốc Bệnh viện mới được quyền tiếp cận toàn bộ thông tin người bệnh.
Bệnh viện cũng nhắc nhở người nhà và bệnh nhân thận trọng khi chia sẻ thông tin, số điện thoại cho người khác.
Ông Hải thừa nhận, qua các buổi làm việc nội bộ, vẫn còn nhân viên y tế chưa nhận thức được mức độ quan trọng của rò rỉ thông tin khách hàng. “Việc này có gì đâu mà nhiều người quan tâm thế” – ông dẫn lời một nhân viên bệnh viện.
"Danh sách, thông tin khách hàng là sống còn của bệnh viện, cơ sở dữ liệu từng người là điều cốt lõi, được xếp vào hồ sơ mật", ông nói và cho biết, nếu xác định nhân viên y tế nào làm rò rỉ thông tin của bệnh nhân, bệnh viện sẽ tiến hành kỷ luật, cho nghỉ việc.
Với sinh viên y khoa đến học tập, nếu có hành vi chụp ảnh quay phim hồ sơ bệnh án, bệnh viện cũng yêu cầu chấm dứt học tập.
Trước đó, nhiều sản phụ phản ánh đã nhận được các cuộc điện thoại chào mời dịch vụ chăm sóc mẹ và bé tại nhà, sinh trắc dấu vân tay miễn phí… sau khi sinh con tại Bệnh viện Từ Dũ.
Đáng chú ý, có trường hợp người gọi điện biết rõ ngày giờ sinh, giới tính của trẻ hay tình trạng nằm lồng ấp của bé sơ sinh. Các sản phụ bày tỏ sự phiền phức, mệt mỏi và lo lắng khi các thông tin cá nhân bị lộ, ảnh hưởng đến cuộc sống.