Trang tin Defence Blog dẫn lời phát ngôn viên của KMW cho biết, tập đoàn này đã bắt đầu quá trình sản xuất 100 pháo tự hành PZH 2000 sau khi chính quyền Đức những ngày gần đây phê duyệt thương vụ bán vũ khí trị giá hơn 1,72 tỷ USD cho Ukraine. Dự kiến, quá trình hoàn thành thương vụ này sẽ kéo dài vài năm.
Tính đến nay, quân đội Ukraine đã nhận được tổng cộng 12 pháo tự hành PzH 2000 từ Đức và Hà Lan, và giới chức Kiev đánh giá cao loại khí tài này.
“PzH 2000 là một phần trong những loại khí tài sử dụng cỡ đạn 155mm thuộc biên chế pháo binh Ukraine. Tôi đánh giá cao những nỗ lực hỗ trợ từ người đồng cấp Đức Christine Lambrecht, đồng thời cũng cảm ơn chính quyền Hà Lan đã viện trợ vũ khí này cho chúng tôi”, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov nói hồi tháng Sáu.
Panzerhaubitze 2000, tên viết tắt PzH 2000, là pháo tự hành có cỡ nòng 155mm được 2 tập đoàn công nghiệp quốc phòng Krauss-Maffei Wegmann và Rheinmetall chế tạo, đưa vào sản xuất cho quân đội Đức từ năm 1998. Pháo có trọng lượng 55,8 tấn; chiều dài (tính cả chiều dài của nòng pháo) 11,67m; rộng 3,48m và cao 3,43m. Kíp chiến đấu cần 5 người, gồm trưởng xe, xạ thủ, lái xe và hai binh sĩ có nhiệm vụ điều khiển hệ thống nạp đạn.
Pháo chính của PzH-2000 là loại 155mm L52 do hãng Rheinmetall sản xuất, với cơ số đạn tối đa có thể mang theo là 60 viên. Khả năng nâng góc nòng của L52 nằm trong khoảng từ -3 đến 65 độ. Theo Military Today, pháo L52 có tốc độ bắn rất cao, trong đó có chế độ bắn cấp tập 3 phát trong vòng 9 giây, tốc độ bắn cao nhất của pháo đạt tới 10-13 phát/phút với cự ly bắn có thể lên tới 40km khi sử dụng đạn rocket hỗ trợ (RAP- Rocket Assisted Projectile).
Mỹ điều ‘chim ăn thịt’ tới sát Ukraine
Theo trang Defence Blog, 6 chiếc tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 F-22 Raptor 'Chim ăn thịt' đã được quân đội Mỹ điều từ Căn cứ chung Elmendorf-Richardson ở Alaska tới Ba Lan như “một phần trong nỗ lực mới nhất để bảo vệ các quốc gia đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine đang diễn ra”.
“Dự kiến, số tiêm kích này sẽ được điều tới Căn cứ không quân chiến thuật số 32 gần thị trấn Lask ở Ba Lan. Các máy bay F-22 này sẽ hỗ trợ cho nhiệm vụ phòng thủ không phận NATO ở châu Âu”, thông cáo từ Không quân Mỹ cho biết.
Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Błaszczak trong một thông cáo đưa ra hôm 28/7 tuyên bố rằng, những phi công Mỹ điều khiển số máy bay F-22 trên sẽ “tuần tra không phận và tham gia huấn luyện cùng các phi công Ba Lan”.
Ukraine tố tàu chở ‘lương thực bị trộm’ xuất hiện ở Lebanon
Đại sứ quán Ukraine tại Beirut, Lebanon tuyên bố rằng, một tàu vận tải chở theo “lương thực bị trộm từ nước này” đã cập cảng Tripoli vào ngày 28/7. “Chúng tôi nghi ngờ tàu Laodicea của Syria chở 5.000 tấn đại mạch và 5.000 tấn lúa mì có nguồn gốc từ Ukraine”, giới chức Đại sứ quán Ukraine ở Lebanon nói với hãng tin Reuters.
Dữ liệu từ trang web Marine Traffic cho thấy, hải trình của tàu vận tải Laodicea ban đầu vốn hướng tới cảng Tartus, Syria. Sau đó, không rõ vì lý do gì mà thủy thủ đoàn lại đổi hướng và cho tàu cập cảng Tripoli ở Lebanon.
Theo Reuters, Đại sứ Ukraine Ihor Ostash ngay trong ngày 28/7 đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Lebanon Michel Aoun. Tại cuộc gặp, ông Ostash nói rằng nếu giới chức Lebanon “mua số lương thực bị trộm có nguồn gốc từ Ukraine, thì quan hệ song phương giữa hai nước sẽ bị tổn hại”.