Chú thích ảnh

Tổng thống John F. Kennedy (ngoài cùng bên trái) vào ngày 22/11/1963, ngay trước khi bị ám sát. Ảnh: Cục Lưu trữ và Hồ sơ quốc gia Mỹ

Hơn nửa thế kỷ sau, nhiều người ở Mỹ vẫn tự hỏi ai thực sự đứng sau vụ ám sát John F. Kennedy (JFK). Nhưng những người khác còn có một câu hỏi hoàn toàn khác: Điều gì đã xảy ra với bộ não của JFK?

Mặc dù thi thể của vị tổng thống Mỹ thứ 35 được an táng tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington, nhưng bộ não của ông đã mất tích từ năm 1966. Có phải nó đã bị đánh cắp để che giấu bằng chứng? Bị người em trai lấy mất? Hay bộ não đã được thay thế từ trước khi nó bị biến mất?

Dưới đây là tất cả những gì chúng ta biết về bí ẩn kéo dài hàng thập kỷ qua quanh sự biến mất khó hiểu của bộ não Tổng thống JFK.

Vụ ám sát và cuộc khám nghiệm tử thi Kennedy

Câu chuyện về bộ não của John F. Kennedy bắt đầu vào ngày ông bị giết. Vào ngày 22/11/1963, tổng thống bị ám sát khi đang ngồi trên ô tô, tham gia cuộc diễu hành vận động bầu cử tại Dallas (bang Texas) cùng đệ nhất phu nhân Jacqueline, Thống đốc bang Texas John Connally và vợ của ông này. 

Đêm đó, cuộc khám nghiệm tử thi tại Bệnh viện Hải quân Bethesda ở Washington D.C. xác định rằng tổng thống đã trúng hai viên đạn từ phía trên và phía sau.

Chú thích ảnh

Hình ảnh minh hoạ được cung cấp cho Quốc hội Mỹ thể hiện một trong những viên đạn xuyên qua bộ não của JFK.

Đặc vụ FBI Francis X. O’Neill Jr., người có mặt tại cuộc khám nghiệm tử thi, nhớ lại: “Không còn nhiều não bộ. Hơn một nửa bộ não đã bị mất".

O’Neill Jr đã quan sát kỹ khi các bác sĩ tách não khỏi hộp sọ và đặt nó “trong một cái lọ màu trắng”. Các bác sĩ cũng lưu ý trong báo cáo khám nghiệm tử thi rằng "bộ não được bảo quản và tách khỏi cơ thể để nghiên cứu thêm".

Theo tác giả James Swanson trong cuốn “End of Days: The Assassination of John F. Kennedy”, bộ não JFK cuối cùng được cho vào một thùng thép không gỉ có nắp vặn và chuyển đến Cục lưu trữ Quốc gia. Ở đó, nó được “đặt trong một căn phòng an toàn chỉ có cựu thư ký tận tụy của JFK, Evelyn Lincoln, được biết trong khi cô sắp xếp các giấy tờ của tổng thống”.

Nhưng đến năm 1966, bộ não cũng như các phiến mẫu mô và vật liệu khám nghiệm tử thi khác đã biến mất. Một cuộc điều tra sau đó vẫn không thể xác định được tung tích của chúng.

Chú thích ảnh

Hình ảnh chiếc xe chở JFK trong vụ ám sát, Tổng thống đã gục xuống ghế sau và Đệ nhất phu nhân Jacqueline nhoài xuống mui sau của xe, nơi một vệ sĩ đang leo lên. Ảnh: The Sun

Bộ não biến mất

Bộ não của JFK ở đâu? Mặc dù không ai biết chắc chắn câu trả lời, một số giả thuyết đã xuất hiện trong vài thập kỷ qua.

Những người theo thuyết âm mưu cho rằng não của JFK nắm giữ sự thật về cái chết của ông. Về mặt chính thức, khám nghiệm tử thi cho thấy Tổng thống đã bị bắn hai phát từ “phía trên và phía sau”. Điều này phù hợp với kết luận rằng Lee Harvey Oswald đã bắn chết Tổng thống từ tầng 6 của Kho lưu ký Sách Texas.

Chú thích ảnh

Quang cảnh từ tầng sáu của Kho lưu ký Sách Texas. 

Tuy nhiên, một thuyết âm mưu cho rằng bộ não của Kennedy chỉ ra điều ngược lại - rằng Tổng thống đã bị bắn từ phía trước, do đó củng cố cho thuyết "gò cỏ" (có một sát thủ thứ hai, ngoài Lee Harvey Oswald, nấp ở gò cỏ). Trên thực tế, đó là kết luận của các bác sĩ tại Bệnh viện Parkland ở Dallas. Theo những người tin tưởng vào thuyết này, đó là lý do tại sao bộ não của JFK bị đánh cắp.

Nhưng tác giả Swanson lại có một ý tưởng khác. Mặc dù đồng ý rằng bộ não có khả năng đã bị đánh cắp, nhưng ông cho rằng người đánh cắp nó không phải ai khác ngoài Robert F. Kennedy, em trai của JFK.

“Kết luận của tôi là Robert Kennedy đã lấy đi bộ não của anh trai mình", Swanson viết trong cuốn sách của mình. “Không phải để che giấu bằng chứng về một âm mưu mà có lẽ để che giấu bằng chứng về mức độ thực sự tình trạng bệnh tật của Tổng thống Kennedy, hoặc có lẽ để che giấu bằng chứng về số lượng thuốc mà Tổng thống Kennedy đang dùng”.

Quả thật, Tổng thống Kennedy có rất nhiều vấn đề về sức khỏe mà ông giấu công chúng. Ông cũng đã dùng nhiều loại thuốc, bao gồm thuốc giảm đau, thuốc chống lo âu, chất kích thích, thuốc ngủ và hormone vì tình trạng suy giảm chức năng tuyến thượng thận nguy hiểm của mình.

Bộ não của JFK có bị đánh cắp hay không là một bí ẩn. Nhưng còn một bí ẩn khác về những bức ảnh lưu trữ chụp bộ não của tổng thống. Liệu bộ não trong ảnh chụp chính thức có phải là của JFK không?

{keywords}
Tổng thống thứ 35 của nước Mỹ, John F. Kennedy. Ảnh: The Sun

Năm 1998, một báo cáo từ Hội đồng Đánh giá Hồ sơ Ám sát đã đưa ra một câu hỏi rắc rối. Họ cho rằng bộ não JFK trong những bức ảnh chụp là không đúng. “Tôi chắc chắn 90 đến 95% rằng các bức ảnh trong Kho lưu trữ không phải chụp bộ não của Tổng thống Kennedy", Douglas Horne, trưởng ban phân tích hồ sơ quân sự cho biết.

Ông Horne nói thêm, "Nếu đúng là vậy, điều đó có thể chỉ có nghĩa một điều, là bằng chứng y tế đã được che đậy."

O’Neill - đặc vụ FBI có mặt tại hiện trường vụ ám sát Kennedy - cũng nói rằng những bức ảnh chính thức về bộ não không khớp với những gì ông đã chứng kiến. “Nó trông gần giống như một bộ não hoàn chỉnh", hoàn toàn khác với bộ não đã bị đạn phá hủy mà O’Neill từng thấy.

Báo cáo cũng cho thấy có nhiều điểm khác biệt về việc ai đã kiểm tra não, khi nào, và có hay không bộ não được cắt theo một cách nhất định và kiểu ảnh được chụp.

Cuối cùng, câu chuyện về bộ não của JFK dường như cũng bí ẩn như nhiều khía cạnh về vụ ám sát ông. Nó đã bị đánh cắp? Thất lạc? Đã bị thay thế? Đó là những giả thuyết đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Nhưng công chúng Mỹ có thể sẽ sớm có thêm câu trả lời về vụ ám sát Kennedy. Mặc dù việc công khai thêm hồ sơ Kennedy đã được thực hiện trong năm 2021, nhưng nhiều chi tiết hơn nữa sẽ tiếp tục được hé lộ vào tháng 12/2022.

Theo baotintuc.vn

>>> Đọc tin thế giới trên Vietnamnet

Ly kỳ số phận bộ váy vợ Tổng thống Kenedy mặc ngày chồng bị ám sát

Ly kỳ số phận bộ váy vợ Tổng thống Kenedy mặc ngày chồng bị ám sát

Cách đây 66 năm, Tổng thống thứ 35 của Mỹ John F. Kennedy bị bắn chết ở Dallas, Texas. Đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy đang ở cạnh chồng trong thời khắc định mệnh và đưa ông tới bệnh viện cấp cứu.

Ngày này năm xưa: Chuyện tình đệ nhất phu nhân trẻ nhất lịch sử Mỹ

Ngày này năm xưa: Chuyện tình đệ nhất phu nhân trẻ nhất lịch sử Mỹ

Ngày 12/9/1953 ghi dấu đám cưới xa hoa của cô phóng viên trẻ Jackie với Thượng nghị sĩ John F. Kennedy, vị tổng thống thứ 35 tương lai của Mỹ.