Với nồng độ muối cao hơn 10 lần so với đại dương, Biển Chết không có khả năng duy trì sự sống của bất kỳ loài thực vật hay động vật nào, nhưng tại sao lại có một cái cây tồn tại được giữa đảo muối khắc nghiệt?
Nằm đối diện với bãi biển Ein Bokek, gần Arad, chỉ cách Jerusalem khoảng hai giờ lái xe, có một hòn đảo giữa Biển Chết được hình thành hoàn toàn từ muối trắng chói và bao quanh bởi nước màu ngọc lam. Ở trung tâm đảo là một vũng nước nông và một cái cây đơn độc.
Cây ở đảo muối là một cảnh tượng tuyệt vời đến nỗi khiến nhiều người phải ngạc nhiên, yêu thích và thường chọn làm điểm check-in khi tới Biển Chết bởi nhìn thấy một sinh vật sống sót, phát triển ngay cả ở giữa một vùng nước nổi tiếng vì không có khả năng duy trì sự sống là điều được cho là khá kỳ quái.
Mặc dù khi kiểm tra kỹ cây sẽ thấy chồi trên cành và rễ vươn dài trong lớp vỏ mặn của đảo, nhưng điều đó không có nghĩa là cây đã nảy mầm và phát triển ở đó. Nhiều nguồn tin cho biết, có thể một nghệ sĩ địa phương đã mang và “trồng” nó trên đảo muối như một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt ban đầu. Người này được cho là đã đến thăm cái cây mỗi ngày, đắp bùn xung quanh gốc để đảm bảo rằng nó có đủ các chất dinh dưỡng cần thiết để tồn tại trong môi trường cực kỳ khắc nghiệt này.
Biển Chết là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất của Israel, nhưng nó đang nhanh chóng bị thu hẹp khi lượng nước ngày càng tăng từ các sông suối chảy vào hồ và được sử dụng trong nông nghiệp, khai thác mỏ và công nghiệp. Diện tích bề mặt của Biển Chết giảm hơn một mét mỗi năm và nó chỉ bằng một nửa chiều dài so với cách đây một thế kỷ.
Không ai thực sự biết chắc chắn điều gì sẽ xảy ra với cái cây, nhưng nếu có cơ hội đến thăm Biển Chết và đi ngang qua Ein Bokek, hãy nhớ chiêm ngưỡng "cây sự sống" và hòn đảo muối giữa biển xinh đẹp mà nó “mọc” lên.