Theo CNN, vụ tấn công xảy ra vào hồi tháng trước, chỉ vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ở Hà Nội.

{keywords}
 

Nhà chức trách Tây Ban Nha cũng xác nhận đang điều tra vụ việc này. 

Tấn công táo tợn

Theo CNN, hôm 22/2, khoảng 10 người cầm súng giả đã tiến vào đại sứ quán Triều Tiên ở Madrid, Tây Ban Nha. Khi đã vào trong, những đối tượng đeo mặt nạ này đánh đập, trói các nhân viên, đánh cắp một số máy tính.

Trong khi vụ tấn công diễn ra, một phụ nữ Triều Tiên đã thoát được và kêu cứu. Các cư dân gần đó nghe được lời cầu cứu đã gọi cảnh sát, báo El Pais của Tây Ban Nha đưa tin.

Khi cảnh sát tới nơi, một người đàn ông châu Á xuất hiện và cố trấn an rằng mọi chuyện đều ổn. Vài phút sau, ngươi này và 10 kẻ tấn công rời đại sứ quán cùng các máy tính, điện thoại di động và một số tài liệu.

Một nguồn tin nắm được diễn biến điều tra cho biết: "Nhóm tấn công ở trong đại sứ quán Triều Tiên khoảng hai tiếng". Cảnh sát Tây Ban Nha sau đó tìm được 8 người bị trói, hai trong số này phải được y tế chăm sóc sau vụ tấn công.

Hiện, cảnh sát Tây Ban Nha từ chối tiết lộ chi tiết về vụ tấn công do đang điều tra. Bộ Nội vụ nước này cũng không bình luận.

Nhóm bị tình nghi là ai?

Vai trò của CCD trong vụ tấn công mãi tới gần đây mới được công bố. Trước đó, giới chức Mỹ, Triều Tiên và Tây Ban Nha đều từ chối bình luận về việc này.

Một nguồn tin từ chính phủ Mỹ nói với CNN, nhóm tấn công có thể là Lực lượng phòng vệ dân sự Cheollima. Đây là nhóm bất đồng chính kiến người Triều Tiên và nó không phối hợp hoạt động với bất cứ chính phủ nào.

Vụ tấn công sứ quán Triều Tiên khả năng là chiến dịch táo bạo nhất của nhóm này. Tuy nhiên, hiện CCD vẫn chưa đứng ra nhận trách nhiệm.

Theo báo Washington Post, lực lượng trên bắt đầu nổi tiếng năm 2017 sau khi đưa Kim Han-sol, cháu trai của ông Kim Jong Un, rời khỏi Macau. Kim Han-sol là con trai của Kim Jong Nam, người được cho là đã bị sát hại tại sân bay Kuala Lumpur, Malaysia. 

Hoài Linh