Gout là bệnh chuyển hóa do tăng acid uric máu vượt quá ngưỡng, gây ra viêm khớp, sỏi thận và viêm thận kẽ. Bệnh rất thường gặp ở nam giới từ 40 tuổi trở lên, khởi phát thường đột ngột, sưng, đau và viêm các khớp. Gần một nửa người bệnh gout bắt đầu đau từ ngón chân cái, tiếp đến là ngón tay, cổ tay, đầu gối và gót chân.
Bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nặng nề, bao gồm phá hủy khớp, mất chức năng vận động, tàn phế, bệnh thận mạn tính và suy thận mạn tính.
Cùng với điều trị đúng bằng thuốc theo chỉ định, chế độ ăn lành mạnh và thay đổi lối sống có vai trò rất quan trọng với bệnh nhân gout.
Không cần kiêng ăn các sản phẩm cung cấp protein
TS Nguyễn Huy Thông, Trưởng khoa Khớp, Bệnh viện 103 (Hà Nội), cho hay mục tiêu của chế độ ăn lành mạnh và các biện pháp thay đổi lối sống là làm giảm các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch, giảm nồng độ acid uric máu, giảm nguy cơ bùng phát cơn gout cấp và hạn chế bệnh tiến triển.
Theo đó, bệnh nhân gout có nồng độ acid uric trên 6,5 mg/dL cần tuyệt đối tránh ăn nội tạng động vật chứa nhiều nhân purin như gan, tụy và thận.
Thực phẩm cần hạn chế là thịt đỏ, bao gồm trâu, bò, cừu, lợn và thủy hải sản chứa nhiều purin (cá cơm biển, cá hồi, cá mòi, sò điệp, cá bơn Na Uy, cua và tôm hùm).
Bác sĩ Thông khuyên bệnh nhân gout nên ăn nhiều rau xanh, sản phẩm từ sữa không có chất béo hoặc ít chất béo như: sữa chua, phô mai cottage và sữa tươi.
Các loại đồ uống, thức ăn có nhiều fructose như: ngô, nước ngọt, bánh kẹo ngọt, đồ ăn nhanh cần tuyệt đối tránh. Những loại nước trái cây ngọt, đường, nước xốt, nước thịt và muối nên hạn chế. Rượu mạnh, bia, rượu vang cũng là thức uống được các bác sĩ khuyến cáo tuyệt đối tránh hoặc hạn chế.
Theo Tiến sĩ Thông, hiện tại, chưa có khuyến cáo đồng thuận về sử dụng các loại hạt (như hạt điều, hạt lạc), quả anh đào, vitamin C và cây họ đậu (như đậu cô ve, đậu đũa) cho người bệnh gout.
"Rất nhiều người bệnh gout kiêng các sản phẩm cung cấp protein một cách tuyệt đối. Đây là quan niệm sai lầm", Tiến sĩ Thông khẳng định. Ông nhấn mạnh rằng, với người bệnh gout không có khuyến cáo chế độ ăn kiểm soát chặt chẽ lượng protein.
Việc thực hiện chế độ ăn lành mạnh giúp giảm nồng độ acid uric máu tới 60 micro mol/L, theo vị chuyên gia. Với chế độ ăn Địa Trung Hải, người bệnh gout có thể ăn các thực phẩm có nhiều protein ở Việt Nam sẵn có, như: trứng gà, cá đồng, sữa tươi, sữa chua, thịt gia cầm, và các loại hạt chứa nhiều protein thực vật như hạt đậu, hạt lạc, hạt điều.
Lượng protein cần cung cấp trong một ngày cho người bình thường là 0,8g/kg cân nặng.
Ví dụ, một người 60kg cần 48g protein/ngày, có thể dùng một quả trứng gà (6-7g protein), nửa lít sữa tươi (15-16g), nửa lạng thịt gà (13-14g), nửa lạng hạt lạc (12-13g).
Rau nào nên và không nên ăn với người bệnh gout?
Theo TS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, người bệnh gout không nên ăn các loại rau có tốc độ tăng trưởng nhanh như măng tây, măng tre, nấm, giá, dọc mùng… vì chúng làm tăng tốc độ tổng hợp acid uric trong máu.
Các loại rau giàu chất xơ như súp lơ xanh, rau chân vịt được khuyến khích dùng bởi có thể giảm hấp thu đạm, từ đó giảm sự hình thành acid uric. Ngoài ra nên sử dụng nhiều thực phẩm có tính kiềm như cải xanh, củ cải, bí… vì chúng có tác dụng trung hòa acid uric trong máu, làm chậm tiến triển của bệnh.
Các biện pháp thay đổi lối sống cho người bệnh gout
- Giảm cân với người thừa cân, béo phì, duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) trong khoảng từ 18,5 đến 23 kg/m2 (trong đó 'm2' là bình phương chiều cao).
- Bỏ thuốc lá.
- Tập vận động thường xuyên với cường độ trung bình khoảng 150 phút/tuần và không nghỉ quá hai ngày liên tục.
- Uống đủ nước.