Theo Sina, Tiểu Hạo (người Trung Quốc) bị đau bụng, cơ thể mệt mỏi nên ông bà vội đưa đến bệnh viện kiểm tra. Sau khi tiến hành sinh thiết gan, các bác sĩ phát hiện cậu bé bị xơ gan nặng.
Sau khi nhận kết quả, gia đình không thể tin vì Tiểu Hạo mới 11 tuổi. Bác sĩ cho biết tình trạng này là do thói quen ăn uống nhiều calo trong thời gian dài, nếu không chữa kịp thời có thể dẫn đến ung thư gan.
Bà của Tiểu Hạo kể từ nhỏ cháu đã thích ăn thịt, nhiều tương đương người lớn. Năm lớp 5, cậu bé đã nặng 65kg, bà cho rằng “ăn được là tốt” nên cho cháu ăn thoải thích.
Yếu tố thúc đẩy gan nhiễm mỡ
Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu đặc trưng bởi thoái hóa mỡ và tích tụ lipid trong tế bào gan. Nguyên nhân chủ yếu là thừa dinh dưỡng, béo phì, tiểu đường.
Từ béo phì đến ung thư gan
Béo phì làm tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ, phát triển thành ung thư gan chỉ cần qua 4 bước:
Bước thứ nhất: Gan nhiễm mỡ đơn giản. Ở giai đoạn đầu, triệu chứng không đặc biệt, khó phát hiện.
Bước thứ hai: Gan nhiễm mỡ tăng cao, xuất hiện triệu chứng chán ăn, buồn nôn, sụt cân, đau tức bụng. Khi có quá nhiều chất béo lắng đọng trong gan, bao gan có thể mở rộng và dây chằng gan sẽ bị kéo căng, gây đau dữ dội ở hạ sườn phải, sốt và tăng bạch cầu.
Bước thứ ba: Nếu tình trạng viêm gan diễn biến nặng hơn sẽ kích thích các mô xơ khiến gan dày và xơ cứng quá mức dẫn đến xơ gan.
Bước thứ tư: Nếu không được điều trị kịp thời, để xơ gan phát triển và biến chứng thành bệnh tiểu đường, tăng mỡ máu và các bệnh khác sẽ dẫn đến chức năng hệ miễn dịch không bình thường, tổn thương gan và ung thư gan.
Cách điều trị
Cha mẹ sẽ rất lo lắng nếu con mình bị gan nhiễm mỡ nhưng chỉ cần được điều trị kịp thời, trẻ có cơ hội chữa khỏi tương đối cao.
Kiểm soát cân nặng: Kiểm soát chế độ ăn uống bằng cách ăn nhiều rau quả, tiêu thụ lượng thịt hợp lý và cân bằng giữa thịt và rau; khuyến khích con bạn tập thể dục.
Uống thuốc theo chỉ định bác sĩ: Sử dụng các thuốc bảo vệ gan theo đơn của bác sĩ, thuốc chống viêm để bảo vệ tế bào gan, chống oxy hóa, chống viêm, chống xơ hóa.
Khám sức khỏe định kỳ: Quản lý và phòng ngừa bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu bằng cách khám sức khỏe định kỳ, phát hiện sớm, can thiệp sớm và điều trị sớm.