Từ năm 2016, Meta cấm “bán hoặc sử dụng vũ khí, đạn dược hoặc chất nổ” giữa các cá nhân, bao gồm cả các bộ phận của súng.

Tuy nhiên, nghiên cứu từ tổ chức phi lợi nhuận Media Matters for America cho thấy người dùng Facebook và Instagram vẫn có thể mua chúng từ các nguồn bất hợp pháp để tạo ra các loại vũ khí tự động một cách dễ dàng.

Nhiều mặt hàng là các kit súng tự chế (DIY) hoặc in 3D, hay còn gọi là “súng ma” (ghost gun), cho phép người dùng tự chế vũ khí tại nhà. Chúng là vấn đề ngày càng nghiêm trọng tại Mỹ khi khoảng 20.000 súng ma bị phát hiện trong các cuộc điều tra hình sự năm 2021, gấp 10 lần năm 2016.

Tổng thống Mỹ Joe Biden, hồi tháng 4, công bố nỗ lực mới nhằm triệt phá các loại vũ khí không thể truy vết, gọi chúng là “lựa chọn vũ khí của nhiều tội phạm”.

{keywords}
Một phụ kiện giúp súng bắn nhanh hơn được rao bán trên Facebook Marketplace. (Ảnh: Media Matters for America)

Nghiên cứu của Media Matters xác định hơn 40 bài niêm yết trên Facebook Marketplace và Instagram Shopping tại Mỹ đang bán bộ phận, phụ kiện súng và đạn dược, bao gồm các bộ phận để chế tạo vũ khí tại gia, chẳng hạn cổ vai, tay cầm, hệ thống ray. Thậm chí, gần như mọi linh kiện cần thiết cho AR-15, vũ khí bán tự động được dùng trong một số vụ xả súng gần đây, đều có thể tìm thấy ở đây.

Nếu nghiên cứu của Media Matters tập trung vào các bài niêm yết công khai, các chuyên gia khác lại xem xét hoạt động mua bán trong các hội nhóm kín, nơi chúng phổ biến hơn nhiều. Báo cáo của tổ chức vận động Coalition for a Safer Web tìm thấy các nhóm Facebook với số lượng thành viên lên tới hàng nghìn chuyên mua bán vũ khí trái phép. Trong một vài trường hợp, thuật toán của Facebook còn gợi ý các nhóm và sản phẩm này cho người dùng.

Eric Feinberg, tác giả báo cáo, cho rằng đây chỉ là một ví dụ nữa về việc điều khoản dịch vụ lỏng lẻo của Facebook cho phép tiếp thị, quảng bá và buôn bán vũ khí nguy hiểm, bao gồm súng in 3D. Hàng chục bài niêm yết trong các nhóm kín đăng bán súng cầm tay, tạp chí, đạn dược, bộ phận súng để tự động hóa các vũ khí có sẵn, khiến chúng có độ sát thương cao hơn.

Theo người phát ngôn Meta Ashley Settle, dù Facebook và Instagram cấm bán vũ khí giữa các cá nhân, việc đăng bán hay quảng cáo nội dung này vẫn được cho phép đối với các nhà bán lẻ hợp pháp. Công ty phân biệt các bài viết và thực thi chính sách thông qua hệ thống đánh giá thương mại tự động.

Do Media Matters chưa chia sẻ báo cáo với công ty, bà cho biết không thể giải quyết vấn đề cụ thể.

Hai báo cáo được đưa ra chỉ vài ngày sau khi tờ Washington Post tiết lộ dù Facebook cấm bán vũ khí, họ chỉ cấm một người dùng nếu họ vi phạm chính sách 10 lần, trong khi những người vi phạm chính sách kích động bạo lực, khủng bố sẽ bị trừng phạt ngay lần đầu tiên.

Shannon Watts, sáng lập tổ chức vận động kiểm soát súng Moms Demand Action, đổ lỗi thất bại của Facebook trong thực thi chính sách về mua bán súng đã dẫn đến các vụ bạo lực và khủng bố. Bà cho rằng súng là một công cụ “tuyển quân” và giúp các nhóm cực hữu gieo rắc sợ hãi, tuyển thành viên. Quy định vi phạm 10 lần của Facebook đặc biệt nguy hiểm. Đã đến lúc các công ty mạng xã hội chịu trách nhiệm cho các nguy cơ xảy ra trên nền tảng của họ.

Thuật toán của Facebook được cho là góp phần tạo ra cực đoan hóa. Nghiên cứu nội bộ của công ty thừa nhận “64% những người gia nhập các nhóm cực đoan là do công cụ gợi ý của chúng ta”.

Ben Wyskida, người phát ngôn tổ chức Real Facebook Oversight Board, gọi Facebook là nơi dừng chân cho cả sự cực đoan và vũ khí chết người.

“Facebook đặt ngón tay của họ lên cò súng. Facebook thà khiến ai đó bị giết hơn là đóng cửa hay điều chỉnh các tính năng sinh lời nhưng kích động khủng bố. Điều này nên được điều tra đầy đủ và bị chặn đứng”, ông nói.

Du Lam (Theo The Guardian)

Mỹ điều tra vai trò của mạng xã hội trong thảm kịch xả súng

Mỹ điều tra vai trò của mạng xã hội trong thảm kịch xả súng

Nhà chức trách sẽ điều tra mối liên hệ giữa các công ty mạng xã hội với vụ xả súng có động cơ chủng tộc tại một siêu thị ở thành phố Buffalo khiến 10 người chết và 3 người bị thương vừa qua.