Bào chữa cho bị cáo Lê Chí Tuân (Trưởng nhóm hồ sơ - Ban Quản lý Dự án 1 Công ty AIC), luật sư Trịnh Văn Tuyến cho hay, thời điểm ông Tuân bị khởi tố, điều tra, bị cáo đang ở Malaysia. Ngay khi nhận được thông tin về việc mình bị khởi tố do có hành vi giúp sức ở vụ án AIC, ông Tuân đã viết đơn trình bày gửi Cơ quan CSĐT và liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia xin cấp hộ chiếu để về nước đầu thú.
Theo luật sư Tuyến, hành vi của bị cáo Tuân chỉ là tập hợp các giấy tờ, tài liệu từ các bộ phận, phòng ban chuyên môn của Công ty AIC hoặc các công ty "quân xanh", rồi photo, công chứng thêm một số giấy tờ liên quan để tạo thành một bộ hồ sơ năng lực, hồ sơ dự thầu hoàn chỉnh để chuyển vào miền Nam.
Hành vi của bị cáo rất nhạt nhoà, không đáng kể trong cái gọi là: "Quy trình 70 bước thực hiện dự án thiết bị không có xây dựng" mà Công ty AIC áp dụng khi tham gia đấu thầu và thông thầu tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.
Luật sư cho rằng, trong quá trình làm hồ sơ dự thầu giúp sức cho nhóm bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn thông thầu tại Bệnh viện Đồng Nai, bị cáo Tuân luôn phải chịu những áp lực, sức ép lớn.
Luật sư trích bút lục lời khai của ông Tuân, thể hiện việc bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn rất quan tâm và bỏ ra nhiều công sức để xin được vốn từ Trung ương và địa phương nên yêu cầu các bộ phận, trong đó có bộ phận hồ sơ của bị cáo Tuân phải lập hồ sơ thật cẩn thận, có trách nhiệm. Và nếu để Công ty AIC bị trượt thầu, bị cáo Tuân hoặc những người trong nhóm hồ sơ sẽ bị cho nghỉ việc.
Luật sư cho rằng, quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Tuân luôn tỏ rõ sự thành khẩn, hối hận về hành vi sai trái của mình. Luật sư Trịnh Tuyến đề nghị HĐXX cho thân chủ của mình được hưởng các tình tiết “bị cáo ra đầu thú, gia đình bị cáo thuộc gia đình chính sách, hoàn cảnh gia đình bị cáo rất khó khăn” và áp dụng cho bị cáo Lê Chí Tuân được cải tạo ngoài xã hội.
Mong được hưởng khoan hồng đặc biệt
Trong vụ án này, bị cáo Đỗ Mỹ Hạnh (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cát Vân Sa) là một trong 8 bị cáo mà VKS xác định đã bỏ trốn, bị đưa ra xét xử vắng mặt. Bà Hạnh bị đại diện VKS đề nghị tuyên phạt 6-7 năm tù vì tội Vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Bào chữa cho bà Hạnh, luật sư cho hay, bị cáo nói sẽ quay về chấp hành bản án và mong được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Vẫn theo luật sư, trong vụ án này, việc gian lận thầu được lập trình sẵn bằng “quy trình 70 bước”, để Công ty AIC được trúng thầu, theo sự chỉ đạo cao nhất của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Trong “quy trình 70 bước” đó, hành vi của bà Hạnh chỉ là tiểu tiết. Luật sư mong Viện kiểm sát xem xét lại phần đề xuất mức án dành cho bị cáo Hạnh, thể hiện sự khoan hồng của pháp luật.
Cũng là một trong 8 bị cáo bị VKS cho rằng đã bỏ trốn, bị đưa ra xét xử vắng mặt, bị cáo Ngô Thế Vinh (Giám đốc Công ty Việt Tiên) bị đại diện VKS đề nghị tuyên mức án 4-5 năm tù.
Bào chữa cho ông Vinh, quan điểm của luật sư cho hay, bị cáo có quốc tịch Mỹ và Việt Nam. Thời điểm tháng 7 và 8/2022, bị cáo đã bất chấp bệnh tật, từ Mỹ quay về Việt Nam để hợp tác với CQĐT, cung cấp các tài liệu liên quan đến vụ án.
Bị cáo buộc phải trở về Mỹ vào tháng 8/2022, trong trường bất khả kháng vì có vấn đề về sức khoẻ. Trước khi quay về Mỹ điều trị bệnh, bị cáo đã uỷ quyền hợp lệ cho Phó Giám đốc Công ty Việt Tiên để làm việc với cơ quan có thẩm quyền.
Công ty AIC chấp nhận bồi thường toàn bộ thiệt hại
Cựu nhân viên Công ty AIC khai chịu áp lực lớn, phải điều trị trầm cảm
Theo luật sư, trước khi mở phiên toà, gia đình bị cáo đã chủ động nộp 500 triệu đồng tiền khắc phục hậu quả. Bị cáo hứa sẽ khắc phục toàn bộ hậu quả dù đại diện Công ty AIC cho biết sẽ đền bù toàn bộ thiệt hại.
“Có căn cứ xác định bị cáo không bỏ trốn, thậm chí còn sẵn sàng hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền. Bị cáo Vinh mong muốn được gỡ bỏ lệnh truy nã, được hưởng khoan hồng đặc biệt, được miễn hình phạt”, lời bào chữa của luật sư.