Bé trai 7 tuổi, ở Bắc Giang, được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu, buộc phải phẫu thuật cắt bỏ một đoạn ruột, sau đó được tiêm huyết thanh và vắc xin phòng dại kịp thời. Con chó nhà bà ngoại cậu bé chưa được tiêm phòng dại.

Ngày 19/2, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Kiến Ngãi, Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết đây là một trong gần 90 trường hợp bị chó, mèo, khỉ, chuột, thỏ… cắn hoặc cào vào bệnh viện này khám chỉ trong 7 ngày nghỉ Tết Giáp Thìn 2024.

cho-can.png
Nam bệnh nhân bị chó cắn ngày đầu năm được thầy thuốc thăm khám sau phẫu thuật. Ảnh: Trường Giang

Một trường hợp khác là bé gái 6 tuổi (ở Mỹ Đức, Hà Nội) cũng bị chó nhà nuôi (chưa tiêm phòng dại) cắn vào đầu, mặt khiến lộ vùng xương sọ hai bên đỉnh đầu. Sau khi được sơ cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Vân Đình, trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục theo dõi, điều trị và tiêm huyết thanh, vắc xin phòng bệnh dại.

Bác sĩ Ngãi cho biết bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da bị tổn thương. Ngoài ra, virus dại còn có thể lây truyền từ người sang người qua cấy ghép mô, phủ tạng; vết cắn hoặc tiếp xúc với chất tiết của người bị dại.

Thời gian ủ bệnh dại ở người thông thường là từ 1-3 tháng sau phơi nhiễm, hiếm khi có trường hợp thời gian ủ bệnh ngắn dưới 9 ngày hoặc dài tới một vài năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí của vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng virus xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

Theo khuyến cáo, khi bị chó, mèo hoặc động vật hoang dại cắn hoặc gây tổn thương, mọi người cần nhanh chóng tới các cơ sở y tế để được tư vấn, hướng dẫn dự phòng.

"Dự phòng dại bằng huyết thanh và vắc xin là giải pháp duy nhất và hiệu quả nhất để bảo vệ tính mạng của người bệnh bị phơi nhiễm", bác sĩ Ngãi khẳng định. Người bị những vết cắn vào các vùng nguy hiểm như đầu, mặt, cổ cần phải hết sức lưu ý.

Việc tự ý điều trị bằng thuốc nam, hoặc đi lấy nọc, đắp lá cây,… chưa được chứng minh có hiệu quả phòng bệnh, ngược lại có thể gây nguy hiểm, tạo điều kiện cho virus xâm nhập vào cơ thể nhanh chóng hơn hoặc gây ra các tình trạng nhiễm trùng cơ hội.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, huyết thanh kháng dại được tiêm càng sớm càng tốt vào ngày đầu sau khi bị cắn. Trường hợp không thể tiêm vào ngày đầu sau khi bị cắn thì tiêm trong vòng 7 ngày sau mũi vắc xin đầu tiên. Tiêm vắc xin phòng dại sớm với số liều tùy thuộc miễn dịch với dại đã có trước đó, tình trạng vết cắn và tình trạng con vật theo dõi được.