Nhiều người có thói quen hỏi mật khẩu để truy cập vào các mạng WiFi miễn phí tại các địa điểm công cộng như nhà hàng, quán cà phê. Tuy nhiên, cùng với sự tiện lợi, đây cũng là những nơi ẩn chứa vô số rủi ro có thể ảnh hưởng trực tiếp đến thông tin cá nhân và túi tiền của người dùng. 

Mới đây, một người dùng di động đã gặp phải tình huống đáng ngờ khi kết nối vào mạng WiFi miễn phí. Chia sẻ với VietNamNet, anh Đức Huy (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay, khi đang lướt Facebook bằng mạng WiFi ở một quán cà phê trên phố Triệu Việt Vương (Hai Bà Trưng, Hà Nội), anh có ấn vào đường link website của một cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, kết quả là người dùng di động này bị dẫn đến một website lạ. 

Trước đó, trình duyệt đã hiện lên cảnh báo: “Trang web này không dùng kết nối bảo mật. Thông tin cá nhân của bạn, chẳng hạn như mật khẩu hoặc số thẻ tín dụng, có thể không bảo mật khi kết nối với website này”. Thế nhưng phớt lờ lời nhắc nhở, anh Huy vẫn “Tiếp tục truy cập website”. 

Từ Facebook, tôi được dẫn đến một trang web lạ có đuôi “.live” thay vì cổng thông tin điện tử của cơ quan chức năng mà tôi muốn truy cập. Một thông báo cũng hiện lên cho biết tôi là người may mắn. Nếu hoàn tất khảo sát, tôi sẽ có thể nhận được chiếc iPhone 14 Pro. Cảm thấy nghi ngờ, tôi không dám ấn tiếp vào link vì sợ nhiễm mã độc”, anh Huy nói. 

W-wifi-lua-dao-1-1.jpg
Thông báo nhận được khi người dùng bị dẫn sang trang web lạ. Ảnh: Trọng Đạt

Theo người dùng này, khi tắt đường link và truy cập lại một lần nữa vào website cơ quan nhà nước, thông báo “trúng thưởng” vẫn tiếp tục hiện lên. “Được người bạn bên cạnh nhắc nhở phải cẩn thận bởi đang dùng “WiFi free”, tôi liền tắt để truy cập bằng 4G thì thấy mọi thứ lại trở về như bình thường”, anh Huy chia sẻ. 

Trao đổi với VietNamNet về trường hợp này, ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Nghiên cứu công nghệ - Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, Giám đốc kỹ thuật của NCS cho rằng, hiện một số mạng WiFi công cộng như ở khách sạn, quán cafe, nhà hàng cung cấp miễn phí cho người dùng nhưng đính kèm theo quảng cáo. Trước khi người dùng vào website mong muốn, họ sẽ buộc phải qua trang quảng cáo trước rồi mới chuyển đến website đích. 

Cơ chế hoạt động của loại hình này tương tự như các mạng quảng cáo số, nhưng thay vì nội dung quảng cáo, thông tin trả về là thông báo chúc mừng. Quảng cáo sẽ hiện tùy người, tùy vị trí. Có thể ở một thiết bị khác, thông tin trả về là bài đăng với nội dung khác”, ông Sơn cho hay. 

W-wifi-lua-dao2-1.jpg
Nhiều địa điểm công cộng như các quán cà phê, nhà hàng, khách sạn thường cung cấp mạng WiFi miễn phí cho người dùng. Ảnh: Trọng Đạt

Theo chuyên gia Vũ Ngọc Sơn, về bản chất, mạng quảng cáo sẽ bán cho người khác đặt banner, cửa hàng, quán cafe sẽ không kiểm soát được nội dung đăng tải. Do đó, những đường link đính kèm hoàn toàn có thể bị cài cắm mã độc. 

Thông tin trả về còn có thể là bài đăng về hàng giả, hàng kém chất lượng, thậm chí là lừa đảo do các công ty bán quảng cáo trên WiFi không kiểm soát được nội dung”, chuyên gia cảnh báo. 

Để tự bảo vệ mình, người dùng di động cần luôn cảnh giác khi truy cập các hệ thống WiFi mới, đặc biệt tại địa điểm công cộng như khách sạn, nhà hàng, quán cafe. Bởi khi đó, kết nối của người dùng sẽ phụ thuộc vào cài đặt của cơ sở cung cấp WiFi. 

Nếu gặp các thông tin lạ, người dùng nên bỏ qua. Đặc biệt lưu ý, chỉ thực hiện các giao dịch quan trọng trên các mạng tin tưởng như WiFi tại nhà, ở công ty hay mạng 3G/4G từ điện thoại. 

Lừa đảo bằng Deepfake AI ngày càng nguy hiểmNhận định trên được TS Nguyễn Tuấn Khang – Giám đốc khối phần mềm bảo mật khu vực ASEAN của IBM đưa ra trước sự leo thang của xu hướng hacker 'vũ trang hóa' Deepfake, AI.