Đề xuất giảm số lượng chữ cái trong bảng chữ quốc ngữ, từ 38 xuống 31, của PGS.TS Bùi Hiền đang gây ra tranh cãi trong dư luận kể từ khi được đề xuất cách đây ít ngày.

Đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền đang gây ra nhiều ý kiến tranh luận

Vị nguyên Hiệu phó trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên phó Viện trưởng Viện Nội dung & Phương pháp dạy - học phổ thông phát biểu: “Từ năm 1924, khi toàn quyền Đông Dương ký nghị định cho phép dạy chữ quốc ngữ bắt buộc ở cấp tiểu học, trải qua gần một thế kỷ, đến nay chữ quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý, nên cần phải cải tiến để giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian, vật tư…

Tạm thời chưa bàn đến câu chuyện đúng-sai của một sản phẩm nghiên cứu khoa học, đề xuất mang tính cá nhân xuất phát từ PGS.TS Bùi Hiền – khi chưa có bất cứ thống kê cụ thể nào liên quan tới khẳng định bảng chữ cái quốc ngữ hiện tại “khó khăn cho người đọc, người viết, thậm chí gây hiểu nhầm hoặc không hiểu được chính xác nội dung thông tin” – như ông đã nói.

Nhưng rõ ràng, nếu chiếu theo cách viết mới: khi "giáo dục" sẽ được ghi là "záo zụk", "Tiếng Việt" thành "Tiếq Việt"…sẽ tác động tới mọi mặt của cuộc sống – và không thể kể đến ngành game tại Việt Nam.

Bộ nhận diện thương hiệu sẽ mất giá trị

"Khu Vườn Trên Mây" của VNG sẽ được viết thành "Xu Vườn Cên Mây" theo cách viết cải tiến của PGS.TS Bùi Hiền

Wikipedia định nghĩa về cụm từ “nhận biết thương hiệu” (brand awareness) là một khái niệm tiếp thị dùng để đo lường mức độ nhận biết của khách hàng về một thương hiệu nào đó. Nhận biết thương hiệu là giai đoạn đầu tiên trong tiến trình tiến trình mua sắm và là một tiêu chí quan trọng để đo lường sức mạnh của thương hiệu. Một thương hiệu có độ nhận biết càng cao thì càng nổi tiếng và có cơ hội cao hơn được khách hàng lựa chọn.

Do đó, không phải ngẫu nhiên mà mỗi doanh nghiệp, công ty đều rất chú trọng vào việc xây dựng thương hiệu thông qua chất lượng dịch vụ, sản phẩm, chăm sóc khách hàng, hậu mãi…và đặc biệt nhắm tới bộ nhận diện thương hiệu – khi đầu tư không ít để có được logo, tên sản phẩm, slogan tạo ra điểm nhấn, sức hút với khách hàng.

Chiếu theo bảng chữ cái quốc ngữ mới của PGS.TS Bùi Hiền, chắc chắn tên của các nhà phát triển/ nhà phát hành game tại Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng khi chúng là những từ/cụm tử tiếng Anh thuộc hệ chữ viết Latinh (VNG, Vietnam Esports, VTC Game, VTC Mobile, Gamota, Hiker Games,…)

Nhưng để dùng hệ quy chiếu đó để xét tới những sản phẩm đã ăn sâu vào trong tiềm thức game thủ nước nhà (đã được Việt hóa), thì đây lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Theo phương án cải tiến chữ quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền thì chữ Đ sẽ bị loại bỏ và một loạt chữ cái thuộc hệ Latinh như F, J, W, Z sẽ được đưa vào. Ngoài ra, giá trị âm của 11 chữ cái hiện tại cũng bị thay đổi, cụ thể: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r.

Mô tả đề xuất thay đổi bảng chữ cái quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền

Như vậy, “Võ Lâm Truyền Kỳ” sẽ được đổi thành “Võ Lâm Cuyền Kỳ”, “Liên Min' Huyền Woại” là tên gọi mới của “Liên Minh Huyền Thoại”, hay người chơi sẽ phải thích nghi dần với “Dột Kíc” thay vì “Đột Kích”…

Có thể nhiều người cho rằng, khi chữ cái đầu tiên vẫn được giữ nguyên thì các nhà phát triển/ nhà phát hành game vẫn sẽ tùy biến được bộ nhận diện thương hiệu cũ sang mới mà không mất “chất”.

Nhưng xét về nhiều ví dụ khác như “Khu Vườn Trên Mây” đổi thành “Xu Vườn Cên Mây” hay “Ngôi Sao Bộ Lạc” viết lại là “Qôi Sao Bộ Lạk” thì liệu VNG có cảm thấy vừa ý?!

Kênh chat "mạt vận"

Bản update 1266 của Đột Kích vừa qua đã nâng tổng số từ bị cấm trong bộ lạc chat lên con số…21,000 – theo GameK đưa tin.

21,000 từ (cấm) càng khiến việc phối hợp, trao đổi giữa người chơi với nhau trở nên không hề dễ dàng”, trích lược bài viết được GameK đăng tải vào ngày 06/11 vừa qua.

Điều này được thể hiện ở việc hầu hết những từ ngữ mà game thủ chat ra đều đã được thay thế bằng một ký tự khác, mà phổ biến nhất chính là các dấu sao. Đây thực sự là khó khăn khi mà việc trao đổi giữa những người chơi với nhau bằng thao tác trên bàn phím là điều phổ biến.

VTC Game mới bổ sung thêm một loạt những từ cấm hiển thị trên bảng chat trong Đột Kích

Giờ thì với cách viết mới, lối hiểu cũ chưa rõ là VTC Game nói riêng và toàn bộ các nhà phát triển/ nhá phát hành game khác tại Việt Nam sẽ làm cách nào để ngăn ngừa, giảm thiểu từ ngữ thô tục, xúc phạm, phân biệt vùng miền, giới tính,…trong các sản phẩm của mình?!

Khi mà bảng chat với dày đặc những dấu “*” khi đụng phải từ cấm hay những từ viết tắt mà phải nhức não mới suy luận được ra người viết muốn truyền đạt điều gì – thì liệu đó có phải là dấu chấm hết cho cách giao tiếp phổ thông, tiện dụng và dễ dàng nhất trong các tựa game online tại Việt Nam?


Đến giờ, chúng ta vẫn chưa thể biết được công trình nghiên cứu hơn 20 năm “vẫn chưa hoàn chỉnh”, theo lời PGS.TS Bùi Hiền trả lời phỏng vấn báo Dân Trí, có được áp dụng vào thực tế hay không.

Nhưng với những gì thiệt thòi hiển nhiên mà các nhà phát triển/nhà phát hành cùng game thủ nước nhà sẽ phải chấp nhận – hẳn tác giả của đề xuất viết “Tiếng Việt” thành “Tiếq Việt” sẽ vấp phải một làn sóng phản đối dữ đội từ một số đông nữa.

Gamer