Tuổi thơ cơ cực
Sinh năm 1913 tại ngôi làng Mondovi, Algeria (thuộc địa của Pháp lúc bấy giờ), Albert Camus đã trải qua một tuổi thơ bất hạnh và đầy thử thách, theo Tài liệu Albert Camus: Sơ lược Tiểu sử (ĐH Florida Mỹ).
Cha ông là một công nhân sản xuất rượu nho đã bị thương và qua đời trong Thế chiến thứ nhất khi mới 28 tuổi. Albert chỉ biết mặt cha qua một bức ảnh duy nhất còn lại.
Sự mất mát sâu sắc này đã để lại tác động lâu dài đến cuộc đời ông, thúc đẩy Albert đặt câu hỏi về sự tồn tại. Chính nhờ những trải nghiệm cá nhân này ông bắt đầu khám phá khái niệm về sự phi lý, suy ngẫm về sự thiếu ý nghĩa và mục đích cố hữu trong cuộc sống- tạo nền tảng cho trường phái văn học của ông sau này.
Mẹ Albert phải chật vật gánh vác việc gia đình và nuôi dưỡng 2 con trong điều kiện nghèo khó. Bà cũng rất ít khi chuyện trò với con trai vì điếc nặng và không biết chữ.
Bất chấp những khó khăn đó, Albert thể hiện năng lực và quyết tâm theo đuổi con đường học vấn. Năm 19 tuổi, ông đã có bài viết đăng báo. Thầy giáo lớp 5 Loui Germain- người ông đã cảm ơn khi nhận giải Nobel, đã khuyến khích ông tiếp tục học lên cao.
Năm 1930, sau khi tốt nghiệp trung học, Albert theo học ngành Triết học tại ĐH Algiers. Sau đó, ông dự định học tiếp cao học nhưng căn bệnh lao phổi đã buộc ông phải thay đổi ý định.
Sự ra đời Chủ nghĩa phi lý
Sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít và Chiến tranh thế giới thứ 2 đã ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời và sự nghiệp của Albert Camus. Ông là đảng viên Đảng Cộng sản, tích cực tham gia Kháng chiến chống Đức Quốc xã chiếm đóng, đấu tranh chống áp bức và bênh vực công lý.
Chứng kiến những hành động tàn bạo trong chiến tranh càng làm sâu sắc thêm sự khám phá triết học của ông về thân phận con người và cuộc đấu tranh ý nghĩa chống lại bạo lực phi nghĩa.
Năm 1942, ở tuổi 29, Albert Camus cho xuất bản tiểu thuyết gây chấn động giới văn chương Pháp- "Người xa lạ". Tác phẩm nói về một người đàn ông bị tống giam vì tội giết người và ngồi chờ bị hành hình.
Tác phẩm thể hiện sự trăn trở, day dứt của cả một thế hệ trước câu hỏi về giá trị của cuộc sống cũng như lòng khao khát tìm kiếm ý nghĩa đích thực của cuộc sống.
Dựa vào hình tượng của Sisyphus trong Thần thoại Hy Lạp, một vị thần bị kết án suốt đời đẩy một tảng đá lên đỉnh núi, rồi lại thấy nó lăn xuống, Albert cho ra đời tác phẩm "Thần thoại Sisyphe" (1942).
Thời gian trôi đi trong những hành động lặp đi lặp lại và kéo dài như bất tận của Sisyphus khiến Albert thấy rằng sự hiện hữu của con người trong đời sống này cũng vô nghĩa và phi lý như vậy.
Sau chiến tranh, khi chủ nghĩa Hiện sinh chi phối đời sống tinh thần người Paris cũng là lúc Albert nổi danh. Các tác phẩm của ông giúp tầng lớp trí thức châu Âu nhận ra giá trị cuộc sống.
5 lần đề cử Giải Nobel và hành trình "đứt đoạn"
Năm 1949, khi mới 36 tuổi, Albert Camus được đề cử giải Nobel và tiếp tục được đề cử vào các năm 1952, 1954, 1955, 1956 và 1957.
Năm 1957, Viện Hàn lâm Thụy Điển quyết định trao giải cho ông, gọi Albert Camus là “một cây thanh thảo trồng trong vườn, cao quý và chẳng gì thay thế nổi. Khi đem trồng ra ngoài khu vườn ấy, nó vẫn cứ giữ nguyên mọi đặc điểm, bất chấp những ảnh hưởng của truyền thống và sự biến thiên".
Sự nghiệp văn chương lẫy lừng nhưng đường tình của Albert không hề phẳng lặng. Năm 1936, ông kết hôn với một người nghiện ma túy và ly hôn sau 2 năm vì lý do cả 2 không chung tình.
Sau đó, ông kết hôn lần thứ hai, sinh đôi nhưng cuộc sống gia đình sớm đổ vỡ do Albert tiếp tục có mối quan hệ với với María Victoria Casares y Pérez- nữ diễn viên người Pháp gốc Tây Ban Nha nổi bật nhất của sân khấu và điện ảnh Pháp lúc bấy giờ. Chính bản thân ông thừa nhận bản thân không thích hợp cuộc sống gia đình.
Ngày 4/1/1960, khi đang đi cùng một nhà xuất bản và một người bạn trên chiếc xe thể thao Facel Vega gần khu vực Sens (Pháp), Albert đã mất lái và đâm vào một cái cây. Vụ tai nạn khiến ông mãi ra đi ở tuổi 46.
Sự ra đi giữa lúc sự nghiệp Albert Camus thăng hoa đã để lại cho giới văn học và triết học Pháp, châu Âu và thế giới sự tiếc thương vô hạn. Cái chết của Albert đã "cắt ngắn" tiềm năng đóng góp của ông cho chủ nghĩa hiện sinh, khiến nhiều người băn khoăn về hành trình còn dang dở mà ông chỉ mới vừa bắt đầu.
Tuy vậy, các tác phẩm của ông vẫn mang sức ảnh hưởng đến ngày nay, khơi gợi sự suy ngẫm về thân phận con người, tìm kiếm ý nghĩa và phi lý của sự tồn tại.
Cái chết của Albert Camus cũng tạo thêm một lớp suy tư sâu sắc cho những ý tưởng của ông, nhấn mạnh sự mong manh của cuộc sống và sự vô thường của những nỗ lực của con người.
Tử Huy