Thi thể của Bep de Bruin, 74 tuổi, được tìm thấy tại nhà riêng ở thành phố Rotterdam vào ngày 21/11/2013, 10 năm sau khi bà qua đời.
Người phụ nữ Hà Lan này đã sống một mình, tự cô lập bản thân sau khi trải qua chấn thương tâm lý và cắt đứt mọi liên lạc với đứa con duy nhất.
Hàng tháng, lương hưu vẫn về tài khoản ngân hàng của bà và chi phí nhà cửa được khấu trừ từ đó.
Thi thể của Bepa được phát hiện bởi các công nhân sửa đường ống dẫn khí đốt. Cảnh sát đã phải xem xét một núi thư từ để tính toán thời điểm bà tử vong.
Bức tranh về sự cô đơn
Vụ việc này đã thúc đẩy thành phố ở Hà Lan hành động. Chính trị gia địa phương Hugo de Jonge nói rằng đó là "bức tranh sâu sắc về sự cô đơn tột cùng ở một thành phố đông dân".
Ông bắt đầu một chương trình trong đó các tình nguyện viên tổ chức các chuyến thăm xã hội tới tất cả cư dân Rotterdam trên 75 tuổi, giúp đỡ những người cần kết nối lại với mọi người.
Khi de Jonge được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Y tế, Xã hội và Thể thao, ông đưa ra sáng kiến quốc gia nhằm chống lại sự cô đơn ở người già vào năm 2018. Số liệu thống kê gần đây cho thấy rằng chiến dịch này đã có kết quả.
Năm 2022, cuộc khảo sát đầu tiên trên toàn EU cho thấy khoảng 1/8 dân số luôn cảm thấy cô đơn, trong khi 1/3 đôi lúc cảm thấy cô đơn. Hà Lan là quốc gia có mức độ cô đơn thấp nhất châu Âu.
Cô đơn là vấn đề phức tạp, có nhiều nguyên nhân khác nhau, từ kỹ năng xã hội đến những thay đổi lớn trong cuộc sống và sự cô lập. Ngoài ra còn có mối liên hệ chặt chẽ giữa cô đơn và sức khỏe thể chất, tinh thần kém.
Vụ việc một người phụ nữ qua đời hơn 10 năm tại nhà riêng mới được phát hiện khiến Hà Lan phát động nhiều chiến dịch chống cô đơn. Ảnh: The New York Times. |
Một thập kỷ sau, có rất nhiều chương trình chống lại sự cô đơn ra đời, xuất phát từ ý tưởng rằng mọi người nên được kết nối với nhau và có vị trí riêng trong xã hội, theo BBC.
Sáng kiến ở Hà Lan được gọi là "Een tegen eenzaamheid", tức là "Con người chống lại sự cô đơn". Các cố vấn làm việc với chính quyền địa phương để giúp xây dựng kế hoạch hành động. Họ cũng khuyến khích chính quyền thành phố thành lập mạng lưới chống cô đơn bao gồm nhân viên y tế, tình nguyện viên và các công ty.
Điều này sau đó được chuyển lên cấp quốc gia với việc thành lập Liên minh Quốc gia Chống Cô đơn. Thành viên bao gồm từ ngân hàng, siêu thị đến tổ chức từ thiện, câu lạc bộ thể thao và tổ chức văn hóa. Tất cả gặp nhau hai lần một năm để trao đổi ý tưởng và tìm cách hợp tác.
"Rất nhiều người muốn làm điều gì đó. Bạn có thể nói rằng một phong trào tuyệt vời đã được tạo ra, với nhiều sáng kiến liên quan", de Jonge nói.
Từ máy tính tiền trò chuyện đến người bạn 4 chân
Chiến dịch cũng truyền cảm hứng cho các ý tưởng sáng tạo từ những nơi không ngờ tới. Ví dụ, chuỗi siêu thị Jumbo hiện có các sản phẩm đặc biệt trong hàng chục cửa hàng: "máy tính tiền trò chuyện". Những khách hàng muốn giết thời gian trong ngày với nhân viên thu ngân mà không cần vội vã có thể xếp hàng ở đây để mua đồ tạp hóa.
Trong cùng thời gian, bưu điện quốc gia, Post NL, đã phát triển một chương trình tình nguyện trong đó nhân viên bưu điện có thể báo cáo một cư dân mà họ cho rằng có vấn đề với một số dấu hiệu như rèm cửa đóng kín hay hòm thư chất đầy. Tijs Kerchkoffs, Giám đốc Tác động Xã hội, cho biết: "Bạn có thể coi việc giao hàng của chúng tôi như một đôi tai và đôi mắt bổ sung cho khu vực lân cận".
Một chiến dịch giúp kết nối người lớn tuổi với các hộ gia đình có nuôi thú cưng. Ảnh: BBC. |
Chương trình đang được thực hiện tại 19 thành phố của Hà Lan. Theo các đối tác dịch vụ xã hội địa phương, tại Rotterdam, nơi Bep de Bruin được tìm thấy, 50 cảnh báo đã được đưa ra trong 3 năm.
Ngoài ra, một trang web đã được thành lập để kết nối những người lớn tuổi muốn chăm sóc thú cưng của những người nuôi chó bận rộn. Người cao tuổi có thể tham gia miễn phí, còn người nuôi chó sẽ trả một khoản phí nhỏ.
Sự kỳ thị
Năm 2018, Sáng kiến Cô đơn Quốc gia đặt ra mục tiêu giúp đỡ những người lớn tuổi. Tuy nhiên, những thứ thu lại có thể nhiều hơn thế.
Oma's Soap, cửa hàng bán súp đầu tư một nửa lợi nhuận vào các buổi nấu ăn cho người cao tuổi, nhận ra rằng sinh viên tình nguyện cũng được hưởng lợi nhiều như người lớn tuổi nhận sự giúp đỡ.
Đồng sở hữu Martijn Kanters cho biết: "Chúng tôi bắt đầu dự án vì sự cô đơn của những người cao tuổi, nhưng chúng tôi nhận ra rằng cũng có rất nhiều người trẻ cô đơn, giống như những người chuyển đến thành phố để học tập".
Vì vậy, năm 2022, chương trình hành động "Man against loneliness" đã được mở rộng ra toàn xã hội và có 196 đối tác. Misa Stubenicki, người phát ngôn của Bộ Y tế, cho biết: "Các bên liên quan nói với chúng tôi rằng việc tập trung vào người cao tuổi là quá hạn chế. Ai cũng có thể cảm thấy cô đơn".
Không chỉ người cao tuổi, người trẻ cũng có thể cảm thấy cô đơn. Ảnh: Pexels. |
Các dự án nghiên cứu đang được tiến hành để tìm hiểu những nhóm có nguy cơ cao khác, bao gồm những người chăm sóc không chính thức, người di cư lớn tuổi và thanh thiếu niên. Cựu cố vấn thanh niên Jolanda Van Gerwe nói rằng bà hài lòng khi chính phủ nhận ra rằng thanh thiếu niên cũng đang gặp khó khăn.
Tuy nhiên, tất cả dự án đều gặp không ít trở ngại vì xã hội nhìn chung vẫn còn kỳ thị nỗi cô đơn. Mọi người vẫn quan niệm rằng sự cô đơn là một dạng thiếu sót của cá nhân, thay vì là vấn đề của toàn xã hội.
Các nhóm giải quyết sự kỳ thị này theo những cách khác nhau. Các nhà lãnh đạo thanh niên tham gia Join Us được khuyến khích chia sẻ trải nghiệm cô đơn của chính họ để giúp bình thường hóa nó.
Tuy nhiên, một số tổ chức như Upeh và Oma's Soap hầu như không đề cập đến chủ đề này để không làm mất lòng khách hàng trong tương lai. Martijn Kanters của Oma's Soap giải thích: "Không ai thích nói rằng họ cô đơn".
Hàng năm, "Man against loneliness" cố gắng kêu gọi mọi người nói về vấn đề này trong Tuần lễ Cô đơn Quốc gia của Hà Lan. Hàng trăm sự kiện đặc biệt được tổ chức trên khắp đất nước với sự tham gia của nhiều đối tác.
Theo Tạp chí Tri thức Znews