Nhiều người trong chúng ta, đôi khi phải vật lộn tìm cách học hỏi từ những thất bại của chính bản thân mình. Có người bỏ cuộc ngay khi thất bại mà không nhận ra rằng điều cần thiết là phải cố gắng hơn nữa cho đến khi đạt bước đột phá.
Nghiên cứu của Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia Anh (Royal Academy of Engineering) cho thấy nỗi sợ thất bại ngăn cản những người trẻ tuổi, nhất là những nhà khởi nghiệp, thành đạt trong tương lai.
Hơn 42% người trẻ cho rằng sợ thất bại là rào cản lớn khiến họ không biến một ý tưởng thành công việc kinh doanh cụ thể. Trong khi đó, 56% kỹ sư trẻ sợ thất bại nên họ không tự tin bắt đầu xây dựng sự nghiệp riêng, theo Themanufacturer.
Hãy nhớ rằng, làm sai cũng không sai. Việc đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống mang lại lợi ích vô cùng lớn. Dám thất bại, đứng dậy sau khi ngã và kiên trì theo đuổi đến cùng là một vài yếu tố quan trọng hướng tới thành công.
Bảy bí kíp rèn luyện tinh thần mạnh mẽ, vực dậy sau thất bại, người thành công không nói cho bạn biết, theo Psychologytoday:
Học cách chấp nhận
Ai rồi cũng có lúc trải qua khó khăn, thất bại ví dụ như ly hôn, mất việc làm, ốm đau... Đó là một phần của cuộc sống. Nhưng thay vì đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho bản thân, bạn nên chấp nhận thực tế như nó vốn có.
Điều chỉnh cách nhìn
Phần lớn những người thành công, mạnh mẽ tinh thần đều cởi mở, linh hoạt trong việc giải quyết vấn đề, tránh suy nghĩ cứng nhắc.
Tự động viên bản thân bằng những lời nói tích cực, kiên cường để vượt qua khó khăn. Diễn giả truyền động lực Wayne Walter Dyer từng chia sẻ: "Nếu bạn thay đổi cách nhìn sự vật thì sự vật bạn nhìn sẽ thay đổi".
Nhà phát minh Thomas Edison đã sắp xếp lại các thí nghiệm chưa thành công của mình để tạo ra câu chuyện tự sự mới. Ông nói: "Tôi không thất bại; Tôi chỉ tìm ra 1.000 cách không hiệu quả". Ông tin rằng mỗi thất bại đưa ông đến giải pháp cuối cùng gần hơn một bước.
Học hỏi từ những trở ngại cho sự phát triển trong tương lai
Thay vì chỉ trích bản thân, đau buồn, bạn nên tự trả lời cho các câu hỏi như: "Làm thế nào tôi có thể làm điều này khác đi? Tôi đã học được gì về những cái tốt và chưa tốt?".
Thành thật với cảm xúc
Bạn không nên chôn vùi cảm xúc của bản thân hay đắm chìm trong đó quá lâu. Thừa nhận sự thất vọng là điều nên làm và cho bản thân thời gian để xử lý thất bại. Cảm giác buồn bã, thất vọng, suy sụp là điều bình thường và không có gì đáng sợ.
Lạc quan hướng đến tương lai
Những người mạnh mẽ về tinh thần thường có cái nhìn lạc quan về cuộc sống. Họ biết rằng không có thất bại nào là không thể vượt qua, chỉ cần họ không ngừng cố gắng. Steve Jobs từng bị sa thải khỏi Apple, chính công ty do ông tạo ra.
Sau đó, ông cho rằng "đó là điều tuyệt vời nhất từng xảy ra". Ông tận dụng chuyện này như một cơ hội để chuyển sang hướng khác, tạo ra NeXT và Pixar.
Không phải lúc nào bạn cũng hiểu được tất cả mọi thứ. Nhưng khi bạn kết nối các câu chuyện trong quá khứ của bản thân, bạn sẽ thấy rằng luôn tồn tại một lý do tích cực cho những "thất bại" vừa xảy ra.
Tự tạo nên ý nghĩa cho những trải nghiệm thất bại
Nhiều người mạnh mẽ về tinh thần dựa vào tâm linh của bản thân như một nguồn sức mạnh. Họ nhận ra rằng niềm tin tâm linh giúp tạo nên ý nghĩa của mỗi trải nghiệm. Thực hành lòng biết ơn, bày tỏ lòng biết ơn đối với tất cả những điều lớn nhỏ giúp xây dựng cảm xúc tích cực từ bên trong.
Yêu thương, tha thứ cho bản thân
Thực tập chánh niệm là cách giúp bạn thôi thúc lòng từ bi, tha thứ, yêu thương chính bản thân mình. Chánh niệm giúp mọi người nhắc nhở bản thân họ không đơn độc, có vô số người đang cảm thấy như chính họ ngay tại thời điểm này.