Phụ huynh thiếu thông tin dễ mắc bẫy

Nhận định trên được nêu ra tại toạ đàm Lỗ hổng thông tin và giải pháp đảm bảo an ninh mạng trong trường học, sáng 17/3, tại TP.HCM.

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, phân tích, các đối tượng lừa đảo đã đánh vào nhiều yếu tố. Thứ nhất, những đối tượng này gọi điện cho phụ huynh đánh vào tình mẫu tử do người mẹ thường mất bình tĩnh. Thứ hai, học sinh được gọi là con của các gia đình có điều kiện.

Thứ 3, các gia đình rơi vào tầm ngắm chủ yếu có con học tại trường tư thục, các trường quốc tế. Ngoài ra, các đối tượng cũng nắm được vấn đề hiện nay không ít bệnh viện đang thiếu thiết bị điều trị cho bệnh nhân. 

Vì vậy khi phụ huynh nghe tin con bị cấp cứu và bệnh viện thiếu thuốc, thiết bị để phẫu thuật đã rất hoảng hốt.

Ông Huỳnh Thanh Phú cho rằng do thiếu thông tin nên phụ huynh dễ bị rơi vào bẫy (Ảnh: TP)

Nguyên nhân các đối tượng dễ thực hiện hành vi lừa đảo cũng do tình trạng phụ huynh không chịu cập nhật thông tin ví dụ các bệnh viện sẽ không bao giờ thu tiền qua điện thoại. Khi xảy ra sự việc, phụ huynh cũng không liên hệ với nhà trường, chỉ nghe một cuộc điện thoại đã hốt hoảng chuyển tiền.

"Điều đó cho thấy phụ huynh không nắm thông tin để đến khi mới “để mất bò mới lo làm chuồng” – ông Phú nói. 
 
Đồng ý với quan điểm này, ông Nguyễn Đình Độ, Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân, cho rằng, nếu trường và phụ huynh phối hợp với nhau thật tốt sẽ không có chuyện lừa đảo mất hàng trăm triệu đồng. Khi nhận được tin nhắn, phụ huynh không hỏi nhà trường mà hấp tấp chuyển tiền.

"Ngay cả khi nhận những tin nhắn sai chính tả như “trấn thương”, “trợ rẫy”, phụ huynh cũng tin tưởng. Nếu là tin nhắn của thầy cô sẽ không viết sai chính tả như vậy", ông Độ phân tích.
Lộ thông tin học sinh từ đâu?
 Về câu hỏi thông tin học sinh, phụ huynh bị lộ từ đâu, ông Nguyễn Đình Độ cho rằng, nhà trường rất coi trọng việc bảo mật thông tin của học sinh. Theo Hiệu trưởng này, trường đã giao cho 1 người phụ trách thông tin học sinh, chỉ nhân viên mới được phép nhập và xem thông tin của học sinh.
 

Ông Nguyễn Đình Độ cảnh báo để tránh lộ thông tin học sinh, phụ huynh cũng nên hạn chế khoe thành tích của con trên mạng xã hội (Ảnh: TP)

Tuy nhiên, theo ông Độ, hiện nay khi có một sự việc gì với học sinh các đối tác đều muốn xin lấy thông tin học sinh.

“Đơn giản như một hãng sữa tặng sữa cũng yều cầu lấy thông tin những em uống sữa. Bên cạnh đó, các trường đại học đến xin thông tin học sinh để tuyển sinh. Về phía nhà trường, chúng tôi rất hạn chế cung cấp các thông tin này”, ông khẳng định.
 
Ngoài ra, ông Độ cũng cảnh báo để tránh lộ thông tin học sinh, phụ huynh nên hạn chế khoe thành tích của con trên mạng xã hội. “Hiện nay, nhiều phụ huynh có con được phần thưởng, giấy khen... thường chụp hình đăng lên mạng xã hội. Như vậy, vô tình chúng ta làm lộ thông tin của con”- ông Độ nói.
 
“Ngay sau kỳ thi tốt nghiệp lớp 12, nhiều phụ huynh chia sẻ được các trường tư thục gọi điện mời học. Tôi hỏi tại sao họ biết để gọi điện, phụ huynh kể rằng, các trường biết con được điểm thấp, không đỗ vào các trường công lập nên mời chào vào học tư thục. Câu hỏi đặt ra là "Những trường tư thục này lấy thông tin từ đâu?”- ông Huỳnh Thanh Phú đặt vấn đề.

Tại toạ đàm, một đại biểu cũng cho hay, ngoài việc khoe thành tích, nhiều phụ huynh hiện nay cũng thường xuyên đăng tải hình, thông tin về con lên trên mạng xã hội. Thậm chí, trước khi đi du lịch, họ cũng đăng “tạm biệt con yêu”. Đó là nguy cơ cực kỳ lớn vì tội phạm sẵn sàng bỏ thời gian dài để nghiên cứu kỹ đối tượng lừa đảo.
 
Theo ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena, mỗi ngày trung tâm này tiếp nhận khoảng 5.000 cuộc tấn công. Tội phạm công nghệ không giới hạn về địa lý, cuộc gọi giả mạo có thể không xuất phát tại TP.HCM có thể gọi đến từ nước ngoài.

Tội phạm công nghệ kiếm tiền phi pháp lợi dụng sự hiểu biết của họ, sự phát triển của công nghệ để xâm nhập, tấn công cộng đồng.

Theo ông Võ Đỗ Thắng, con chơi game có thể đã để lộ nhiều thông tin (Ảnh: TP)

Theo ông Thắng, dữ liệu bị lộ xuất phát từ việc phụ huynh, học sinh cung cấp cho các hoạt động học tập. Cụ thể, hiện nay TikTok đang là trang mạng xã hội được các bạn trẻ yêu thích, hoặc các trò chơi game rất phổ biến.

Con chơi game có thể làm mất dữ liệu của cha mẹ, trong đó có cả tài khoản ngân hàng, số căn cước. Học sinh sử dụng thiết bị công nghệ ngày càng nhiều nhưng chưa lường trước được các cạm bẫy trên không gian mạng.

Đại uý Huỳnh Đỗ Tấn Thịnh: 80% là cá nhân tự làm lộ thông tin (Ảnh: TP)


Đại uý Huỳnh Đỗ Tấn Thịnh, Phòng cảnh sát hình sự Công an TP.HCM, cho hay, mỗi ngày phòng cảnh sát hình công an TP.HCM nhận trên từ 20-30 đơn tố cáo của người dân về việc bị lừa đảo. Cách thức lừa đảo rất đa dạng như mượn danh người quen, dùng hình ảnh, thậm chí mượn danh cơ quan nhà nước.

Sau khi phụ huynh nghe máy, các đối tượng sẽ đưa điện thoại cho một người cao hơn nhằm đánh vào lòng tin của người dân.

Về lỗ hổng thông tin do đâu, Đại uý Tấn Thịnh cho hay, 20% là các doanh nghiệp và cơ quan làm lộ thông tin; 80% là cá nhân tự làm lộ thông tin. Đặc biệt thế hệ gen Z hiện nay đang làm lộ thông tin của mình bằng cách tham gia các mạng xã hội như TikTok…