Tạp chí Forbes cho biết, các pháo phản lực phóng loạt M270 của Mỹ vào thập niên 1980 được trang bị loại tên lửa M26 chứa hơn 600 quả bom bi cỡ nhỏ. Với biệt danh là ‘mưa thép’, loại tên lửa này đã chứng minh được hiệu quả khi tác chiến trong Chiến dịch Bão táp Sa mạc hồi năm 1991. Dù vậy, khí tài này có một nhược điểm chí mạng là để lại vô số bom bi không nổ và gây nguy hiểm cho dân thường trong nhiều năm sau đó.
Do vậy, quân đội Mỹ đã buộc phải thay thế M26 bằng loại tên lửa M31 chỉ mang theo một đầu đạn nổ. Đây cũng chính là loại tên lửa mà Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) của quân đội Ukraine đang sử dụng trên chiến trường hiện nay.
Theo trang DSCA.mil, tên lửa M31 có đầu đạn chứa 90kg chất nổ; tầm bắn đạt 70km. Dù vậy, đây không phải loại khí tài lý tưởng để quân đội Ukraine chống lại các mục tiêu đối phương nằm rải rác trong một khu vực rộng lớn, vì liều thuốc nổ lắp trong M31 chỉ có thể tác động lên một phạm vi tương đối nhỏ.
Tuy nhiên, một bức ảnh được trang Ukraine Weapons Tracker đăng trên Twitter cuối tháng trước đã hé lộ việc quân đội Ukraine đang triển khai hệ thống HIMARS cùng loại tên lửa mới có tên M30A1 của Mỹ.
Theo một số báo cáo được Forbes thu thập, tên lửa M30A1 “có thể tấn công một khu vực có phạm vi lên tới 1,29km vuông (nửa dặm vuông) chỉ với một phát bắn”.
Để có thể thực hiện được đòn tấn công trên diện rộng tới vậy, tên lửa M30A1 được trang bị đầu đạn có chứa hơn 182.000 mảnh hợp kim vonfram. Khi tên lửa M30A1 phát nổ trên khu vực đối phương đóng quân, thì các mảnh đạn vonfram trong đầu đạn sẽ văng ra với tốc độ cao, gây thiệt hại nặng nề cho binh sĩ và phương tiện bọc thép hạng nhẹ triển khai ở đó.
Theo trang web Bộ Quốc phòng Mỹ, giới chức Lầu Năm Góc hôm 4/10 đã công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 625 triệu USD dành cho Ukraine, trong đó bao gồm 4 Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) và đạn dược đi kèm. Do vậy, khả năng tên lửa M30A1 có mặt trong lô vũ khí này hoàn toàn có thể xảy ra.
Video: Các vụ thử tên lửa M30A1 của Mỹ. Nguồn: War & Military Leaks - FR/EN