Đi qua những ồn ào, náo nhiệt của phố thị Hà Nội, rẽ vào một ngõ nhỏ trên phố Đinh Liệt (quận Hoàn Kiếm), đến cuối ngõ, bước qua cánh cổng đã nhuốm màu thời gian, thật không quá lời khi nói rằng, khách ghé chơi giống như lạc vào một cõi mơ. Nơi đây rộng rãi với những cây cổ thụ xanh mát, tiếng gió thổi hiu hiu và chim hót líu lo…
Gia tộc giàu có
Chủ nhân của khu vườn là vợ chồng cụ Phạm Văn Thanh và Phạm Thị Tề. Những năm 40 của thế kỷ trước, gia đình cụ Thanh nổi danh với nghề lọc vàng. Tiệm vàng Sư Tử của hai cụ trở thành điểm đến của những tay buôn vàng nổi tiếng đất Bắc.
Trong ký ức của ông Phạm Ngọc Giao (SN 1941) - con trai trưởng của hai cụ, việc buôn bán của gia đình nhộn nhịp đến mức, người nhà làm không xuể. Bố mẹ ông phải tiếp nhận hàng chục nhân công - là những người bà con đến từ các vùng chiêm trũng. Hàng ngày, ngoài học nghề từ bố mẹ ông Giao, họ giúp việc nhà, đóng gói hàng trăm lượng vàng để xuất khẩu và chuyển cho các nhà buôn trong thành phố.
Việc làm ăn phát đạt nên chỉ trong 3 năm từ năm 1942 đến 1944 bố mẹ ông Giao mua liên tiếp 3 căn nhà. Căn nào cũng có diện tích hàng trăm mét vuông (gồm 1 căn ở phố Hàng Bạc, 1 căn ở phố Hàng Vôi và 1 căn ở phố Hàng Bè).
Năm 1945 bố mẹ ông Giao bán 3 căn nhà trên để mua căn nhà vườn rộng gần 700m2. Hiện căn nhà nằm trong con ngõ số 6 phố Đinh Liệt.
Sau khi mua lại căn nhà, bố mẹ ông Giao thuê kiến trúc sư Phạm Khắc Hệ (hay còn gọi là Phạm Hoàng - một kiến trúc sư nổi tiếng lúc bấy giờ) thiết kế lại.
Hơn 2 năm sau đó, căn biệt thự với 22 phòng mang vẻ đẹp của phong cách kiến trúc Pháp pha trộn với kiến trúc đình làng Việt cổ mới hoàn thành.
Bí mật trong khu vườn
Ngoài xây dựng biệt thự, bố mẹ ông Giao cũng quan tâm tới việc mang thiên nhiên đến gần hơn với con người. Hai cụ cho thiết kế một khu vườn đặc biệt, có tỉ lệ 1:1 với căn biệt thự.
“Tỉ lệ 1:1 tức là nhà cao bao nhiêu, rộng bao nhiêu (chiếu đứng) thì diện tích sân vườn phía trước (chiếu bằng) tương ứng bấy nhiêu. Đây là tỉ lệ lý tưởng trong phong thủy”, ông Giao giải thích.
Nhiệt tình dẫn khách tham quan khu vườn trong một buổi sáng mùa đông, ông Giao chỉ từng cây và giới thiệu về lai lịch, tuổi đời của nó: "Cây hồng xiêm này mang về từ Xuân Đỉnh, giờ hơn 70 tuổi vẫn sai trĩu quả; cây cau hơn 70 tuổi đời; cây bơ thì hơn 60 năm; ngay cả cây khế cũng đã hơn 40 mùa đơm hoa kết trái…".
Vườn cây xanh mát, trái ngọt trĩu cành nên ngoài những loài chim như vành khuyên, chim sẻ, chào mào, chim sâu… tìm đến, thỉnh thoảng ông Giao còn thấy đôi sóc có đuôi đỏ, đốm trắng đến nhảy nhót, ăn trái ngọt.
Ngồi bên chiếc bàn đặt trong vườn, nghe tiếng chim hót, gió thổi, bao nhiêu mệt mỏi gần như tan biến. Những xô bồ, náo nhiệt của phố thị cũng như bị bỏ lại phía sau.
Ông Giao bảo, đó chính là ý đồ của bố mẹ ông khi tạo dựng khu vườn: “Cậu mợ (bố mẹ-pv) muốn khu vườn là nơi cả nhà có thể hòa nhập với thiên nhiên, là nơi bạn bè gặp gỡ, chuyện trò vui vẻ, bỏ lại sau lưng những ồn ào, vất vả của cuộc sống đời thường”.
Lối đi trong vườn được thiết kế theo hình bán nguyệt. Ngoài ra, trong vườn còn có một tiểu đảo và một chiếc giếng cổ.
Bố mẹ ông Giao cũng không biết giếng cổ có tự bao giờ. Chỉ biết rằng khi họ mua khu đất này, giếng đã có ở đó.
Giếng có miệng tròn, rộng 70-80cm. Nước rất mát, trong vắt và có mạch đứng. Nhiều năm về trước, mỗi khi khu phố bị mất nước, người dân xung quanh thường đến nhà ông Giao xin nước từ giếng cổ để ăn uống, tắm giặt.
Sau này, vì trong nhà có nhiều trẻ con, người già, ông Giao lo ngại vấn đề an toàn nên đã đổ một tấm bê tông rồi đặt lên miệng giếng. Trên tấm bê tông ấy, ông Giao đục 9 lỗ và đổ than hoạt tính xuống với ý nghĩa phong thủy.
“Tiểu đào và giếng cổ giống như đôi mắt ngọc, là hồn của mảnh đất nên không thể phá bỏ. Khi che miệng giếng lại tôi đã đục 9 lỗ để tiếp dương và đổ than hoạt tính xuống với ý nghĩa không làm đục đôi mắt ngọc”, ông Giao nói.
Ngày nay, sau nhiều biến động của lịch sử, khu nhà vườn chỉ còn khoảng hơn 400m2, trong đó, diện tích khu vườn là 150m2. Bố mẹ ông Giao đều đã qua đời. Khu nhà vườn giờ là nơi ở của 5 thế hệ nhà họ Phạm với khoảng 50 nhân khẩu.