Tiến trình nghiên cứu phát triển
NASAMS là tên viết tắt của cụm từ Norwegian Advanced Surface to Air Missile System (Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến Na Uy). Đây là tổ hợp phòng không mặt đất, trong đó sử dụng tên lửa có điều khiển không đối không AIM-120, được hãng Kongsberg Defence và tập đoàn Raytheon phối hợp chế tạo, để trang bị cho quân đội Na Uy.
NASAMS chính là một trong những nỗ lực làm giảm giá thành các tổ hợp tên lửa phòng không, bằng cách sử dụng các tên lửa có điều khiển tương tự như loại không quân đang sử dụng, đã trở thành tiền đề cho sự ra đời của tổ hợp tên lửa phòng không SLAMRAAM sau này.
Tháng 10/1995, lần đầu tiên lục quân Mỹ thử nghiệm thành công tên lửa không đối không AIM-120 như là tên lửa phòng không từ bệ phóng của tổ hợp tên lửa Hawk cải tiến. Sau đó, tiến hành chế tạo bệ phóng hạng nhẹ lắp trên khung xe Humvee việt dã cao. Trong các năm 1997-1998, lục quân Mỹ lần lượt thử nghiệm thành công các đợt phóng thử đầu tiên tên lửa AIM-120 từ bệ mới thiết kế theo mục tiêu giả là tên lửa hành trình.
Những năm sau đó, lục quân Mỹ ký hợp đồng với tập đoàn Raytheon chế tạo tổ hợp tên lửa phòng không trên cơ sở sử dụng tên lửa có điều khiển AIM-120A. Dự án này mang tên CLAWS (Complementary Low Altitude Weapon System - hệ thống vũ khí tầm thấp bổ sung), được thử nghiệm thành công trong 2 năm 2003 và 2004 tại trường thử With, cho thấy khả năng của tổ hợp hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, ngày và đêm với nhiều loại mục tiêu khác nhau.
Tháng 2/2004, Raytheon bắt đầu chế tạo tổ hợp tên lửa phòng không tiên tiến SLAMRAAM (Surface Launched Advanced Medium Range Air-to-Air Missile - Tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung với tên lửa không đối không), dựa trên cơ sở tên lửa AIM-120A. Năm 2012, tiểu đoàn tên lửa phòng không đầu tiên SLAMRAAM được đưa vào trang bị cho lục quân Mỹ, như là sự thay thế một phần cho tổ hợp tên lửa phòng không tầm gần Avenger.
Như vậy, trong khi NASAMS được quân đội Na Uy sử dụng thì lục quân Mỹ lại sử dụng SLAMRAAM, với cùng tình năng, nhiệm vụ.
Phương thức sử dụng
Tổ hợp tên lửa phòng không cơ động NASAMS (và SLAMRAAM) dùng để phòng thủ đường không trước các phương tiện tiến công đường không trong tình huống trên không phức tạp, khi đối phương sử dụng các phương tiện gây nhiễu sóng điện từ, trong mọi điều kiện thời tiết, ngày và đêm. Các tổ hợp này chủ yếu dùng để tiêu diệt các mục tiêu ở tầm thấp và cực thấp.
Thành phần các phương tiện thuộc tổ hợp gồm: trạm radar phát hiện mục tiêu, trạm điều khiển hỏa lực, xe phóng với tên lửa có điều khiển.
Xác suất tiêu diệt mục tiêu theo tính toán khi không có nhiễu với một quả tên lửa khoảng 0,6 - 0,8. Tổ hợp có khả năng thực hiện tác chiến trong một không gian thông tin thống nhất và nhận chỉ thị mục tiêu từ các trạm radar cảnh giới AN/MPQ-64 hoặc từ hệ thống cảnh giới phát hiện các máy bay bay thấp JLENS (Joint Land-Attack Cruise Missile Elevated Netted Sensor).
Khi cần thiết, tổ hợp có thể tương tác với tổ hợp tên lửa phòng không Patriot P-2, P-3 và các tổ hợp tên lửa phòng không MEADS (Medium Extended Air Defense System).
Được chế tạo trên cơ sở radar AN/TPQ-36A, AN/MPQ-64 là radar xung ba tọa độ, đa chức năng cảnh giới xung quanh và dùng để phát hiện, bám sát, đo tọa độ các mục tiêu trên không và đưa ra chỉ thị mục tiêu cho các phương tiện đánh chặn. Radar làm việc trong dải sóng centimet (dải tần số 8 - 10 GHz); hệ ăng-ten của radar mạng pha tấm phẳng.
Việc cảnh giới bầu trời có thể đạt đến cự ly 75km, theo phương vị - 360°, nhờ cơ cấu xoay ăng-ten xung quanh với tốc độ 30 vòng/phút, còn theo góc tà nhờ quét điện tử búp sóng định hướng ăng-ten trong dải từ -10 đến + 55°.
Trạm điều khiển hỏa lực hợp nhất (PU) lắp trên khung xe Humvee hoặc xe phóng M1152A1 mang 4 tên lửa, cho phép thu thập, xử lý và hiển thị các dữ liệu về tình huống trên không và trạng thái các hệ thống cũng như phát chỉ thị mục tiêu tới các bệ phóng của tổ hợp. Công tác chiến đấu của tổ hợp do các trắc thủ và máy tính số tốc độ cao đảm nhiệm. Việc trao đổi thông tin được tổ chức theo đường liên lạc cáp quang.
Tên lửa AIM-120 do Raytheon sản xuất, nặng 152kg, dài 3,7m đường kính 180mm, động cơ nhiên liệu rắn, dẫn đường quán tính và bằng radar chủ động giai đoạn cuối. Khi phóng từ trên không, tên lửa có tầm hoạt động 55-75km; khi phóng từ mặt đất, do không có vận tốc và độ cao đầu nên tầm bắn ẽ thấp hơn. Giá thành một quả tên lửa vào khoảng 390.000 USD.
Nguyên Phong