Theo thông báo của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, tân sinh viên nhập học sẽ phải đóng các khoản bắt buộc như: Học phí đại học chính quy tạm thu 14 triệu; Lệ phí nhập học (bao gồm thẻ sinh viên tích hợp thẻ ngân hàng và thẻ thư viện, giấy xác nhận sinh viên) 280.000 đồng; Lệ phí thư viện đại học chính quy cả khóa học 690.000 đồng.
Tân sinh viên cũng đóng tiền giáo trình, tài liệu số nhà trường biên soạn phục vụ học tập 800.000 đồng; Bảo hiểm y tế bắt buộc (15 tháng) 850.000 đồng; Gia tăng băng thông truy cập thông tin trực tuyến, Wifi học tập: 500.000 đồng; Lệ phí kiểm tra tiếng Anh đạt trình độ đầu vào (sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh không kiểm tra tiếng Anh đầu vào) 345.000 đồng; Lệ phí kiểm tra Tin học đầu khóa (nếu sinh viên kiểm tra đạt được cấp chứng chỉ công nghệ thông tin cơ bản, đủ điều kiện học Tin học ứng dụng và đủ điều kiện thi chuẩn đầu ra Công nghệ thông tin nâng cao) 445.000 đồng.
Ngoài ra, các khoản đóng tuỳ chọn như: Bảo hiểm toàn diện (4 năm) 280.000 đồng; Học phí kỹ năng mềm dành cho sinh viên hệ chính quy chuẩn (2 tín chỉ) 600.000 đồng; Học phí Tiếng Anh chuẩn đầu ra bậc 3/6 (dành cho sinh viên chính quy chuẩn) Tùy chọn 4.500.000 đồng và các khoản nếu ở ký túc xá.
Trước thông báo này, có ý kiến cho rằng Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM đang “tận thu” bởi trường đã thu học phí - được hiểu là để học các môn học trong chương trình bao gồm cả tiếng Anh nhưng lại thu thêm học phí tiếng Anh để đạt chuẩn đầu ra.
Bên cạnh đó, sinh viên phải nộp lệ phí thư viện lại phải nộp thêm phí giáo trình tài liệu số của nhà trường biên soạn. Các em cũng phải nộp tiền wifi mới đọc được tài liệu số. Ngoài ra, kỹ năng mềm được thiết kế 2 tín chỉ nhưng không có trong chương trình đào tạo và nhà trường thu phí học kỹ năng mềm, chưa kể muốn học Tin học phải nộp lệ phí kiểm tra…
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Anh Vũ - Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và Phát triển thương hiệu, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, giải thích đối với khoản thu lệ phí thư viện áp dụng cho hệ đại học chính quy được thu theo quy định của nhà nước.
Khoản thu này đảm bảo mỗi môn học có tối thiểu 3 sách giáo trình, tài liệu tham khảo, sách chuyên khảo, tạp chí chuyên ngành, lượng sách 20 – 50 cuốn/đầu sách phù hợp để tham khảo. Ngoài ra, thư viện của trường cũng có sách ngoại văn, các nguồn cơ sở dữ liệu.
Tuy nhiên trường cũng gặp khó khăn trong việc cùng lúc hàng trăm, hàng ngàn sinh viên cùng học một thời điểm, đặt biệt là thời điểm kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ.
Về khoản thu giáo trình, tài liệu số, nhà trường biên soạn phục vụ học tập, đây là số lượng giáo trình, tài liệu tài tham khảo do nhà trường biên soạn sử dụng trực tiếp cho các học phần bao gồm nội dung lý thuyết, bài tập, tình huống.
Các tài liệu đã được số hóa, mỗi sinh viên sẽ được cấp tài khoản riêng để truy cập và sử dụng không giới hạn thời gian, số lần truy cập. Tài khoản truy cập được cá nhân hóa, sinh viên không cần phải mua sách bản giấy.
Theo ông Vũ, bình quân 1 chương trình đào tạo có khoảng hơn 40 môn học, sinh viên chỉ phải trả phí mua học liệu số khoảng 19.000 đồng/môn học (mỗi môn học có từ 1-3 giáo trình, tài liệu tham khảo do trường biên soạn). Khoản thu này, bù đắp một phần chi phí nhà trường đã đầu tư cho công tác biên soạn, thẩm định, phát hành, số hóa, vận hành và bảo trì hệ thống học liệu số.
Đối với phí wifi học tập (gia tăng băng thông truy cập thông tin trực tuyến), nhà trường đã có những khoản đầu tư lớn để gia tăng băng thông wifi, đáp ứng nhu cầu truy cập internet phục vụ hoạt động học tập, nghiên cứu của người học tốt hơn rất nhiều so với trước đây. Khoản thu phí 500.000 đồng cho 4 năm học, tính bình quân mức phí sử dụng cho 1 sinh viên là khoảng 12.000 đồng/tháng.
Cũng theo ông Vũ, với các khoản tuỳ chọn như kỹ năng mềm, học phí tiếng Anh, Bảo hiểm toàn diện sinh viên có quyền chọn hoặc không chọn đóng.