Nguyễn Thanh Long là người gốc Thái Bình, song anh lại theo học ngành kinh doanh thương mại của trường Đại học Cần Thơ. Năm 2016, Long làm việc cho một công ty thuốc bảo vệ thực vật có trụ sở ở miền Tây, nhưng chàng trai khi đó chọn chi nhánh ở Thái Bình để làm, với mức thu nhập cao, khoảng 30 triệu đồng/tháng.
Sau khi làm được khoảng 2 năm có được ít vốn, Long quyết định nghỉ việc ở công ty để trồng cói, buôn khoai tây giống, mở cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật.
“Tuy nhiên, làm được nửa năm thì tôi thua lỗ, do không có kinh nghiệm. Cây cói thì thu hoạch ngay mùa đông nên không có nắng, bị mốc; còn khoai tây giống không bán được…”, Long nhớ lại khoảng thời gian khó khăn.
Đầu năm 2018, Long vào lại miền Tây để tìm kiếm cơ hội lập nghiệp. May mắn, anh gặp những người bạn thời đại học và được rủ làm bất động sản. Được một thời gian, dịch bùng phát, kinh tế khó khăn nên Long nghỉ làm bất động sản.
Anh bắt đầu đầu tư làm sân bóng đá mini để có thêm nơi vui chơi, thể thao và cũng để tăng nguồn thu.
Cũng thời điểm này, anh vô tình biết được mô hình trồng nấm bào ngư, mang lại thu nhập cao, kinh phí đầu tư không quá lớn, có thể tận dụng được mùn cưa, rơm rạ. Long quyết định tìm hiểu và trồng nấm bào ngư.
Ông chủ 30 tuổi mua 20.000 bịch phôi nấm bào ngư về trồng trong kho trống kế sân bóng mini.
Sau 2 tháng, anh thu hoạch nấm và nhận thấy có lãi cao. Dẫu vậy, trong quá trình trồng, anh phát hiện nhiều phôi không ra nấm. Nguyên nhân là do nguồn phôi đầu vào kém chất lượng, “phôi hấp không đủ giờ và bị mốc xanh”.
Là "tay ngang", chưa có kiến thức về loại nấm này nên anh quyết định đi học hỏi cách làm nấm ở các khu lân cận.
Song, Long nhận thấy cách làm của những nơi anh đến chưa thực sự phù hợp với mô hình của mình. Lúc này, anh nhớ lại các mô hình trồng nấm bào ngư chuyên nghiệp ở Thái Bình nên quyết định về quê học hỏi kỹ thuật, quy trình làm phôi, phối trộn dinh dưỡng.
Sau đó, anh về lại thị xã Bình Minh, đầu tư lò hấp, một số thiết bị và mở rộng diện tích trại nấm, thực hiện quy trình khép kín vừa sản xuất phôi, trồng và bán sản phẩm.
Sau 2 tháng, nấm sinh sôi liên tục, không hư hỏng.
"Nhiều người trồng nấm thất bại. Vì thế phải yêu nghề, kiên trì và am hiểu kỹ thuật mới hi vọng thành công. Quy trình trồng nấm như sau: Ban đầu mình nhập mùn cưa về trộn với vôi trong 15 ngày, sau đó trộn tiếp với rơm đã được ủ; đóng bịch, đưa vào lò hấp đã được khử trùng. Khu cấy mô phải đảm bảo đạt chuẩn với yêu cầu kín gió và có thiết bị để tiêu diệt bào tử nấm dại. Khu ủ tơ và nuôi trồng phải thông thoáng…", anh Long chia sẻ và nói nấm bào ngư từ lúc thu hoạch tới khi tàn khoảng 3 tháng.
Hiện tại, nếu thu hoạch hết công sức các trại nấm, mỗi ngày anh Long sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 300-400 kg nấm, thương lái đến tận nơi mua 45.000 đồng/kg, anh thu về 100 triệu đồng. “Trồng nấm này, theo tôi, quan trọng nhất là trại phải sạch sẽ, được khử trùng”, anh Long nói.
Long cho biết đang liên kết với thầy cô ở trường Đại học Cần Thơ để chuyển giao quy trình sản xuất ra thành phẩm: ruốc nấm, nấm muối dưa, khô bò chay... từ nấm bào ngư.
Anh Long nói thêm, đang có ý định mở rộng thêm trại nấm rộng 3.500m2, trồng theo quy trình mới giúp rút ngắn thời gian, tăng sản lượng.
Ngoài trang trại nấm bào ngư, năm 2020, anh Long còn đầu tư 11 tỷ đồng vào các dự án điện mặt trời. “Tổng công suất 965kWp. Dự kiến bán điện trong 20 năm, doanh thu hàng tháng hiện tại là khoảng 220-250 triệu đồng”, Long nói và cho biết, hiện các sân bóng mini anh đều kín lịch đặt, bởi vậy anh thu về thêm khoảng 100 triệu đồng.
Mỗi tháng, anh Long có thu nhập 400-500 triệu đồng từ các trại nấm, điện mặt trời, sân bóng mini. Mỗi năm, anh thu về từ 4-5 tỷ đồng.