Sản phẩm chất lượng
Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Barcelona (Tây Ban Nha) đã chỉ ra 7 kỳ vọng phổ biến của khách du lịch khi lựa chọn một điểm đến, gồm: văn hóa, kiến trúc, ẩm thực, cơ sở hạ tầng, cảnh quan, sự kiện, thương mại. Các yếu tố này đều có thể gói gọn trong khái niệm: “sản phẩm du lịch”.
Từ hình mẫu thành công của các nước có thể thấy: sản phẩm du lịch tốt sẽ tạo dựng chỗ đứng cho điểm đến. Các hoạt động xúc tiến, quảng bá điểm đến sẽ chỉ thực sự phát huy hiệu quả nếu có sẵn nền tảng từ sản phẩm tốt.
Hàn Quốc là một điển hình, với việc dùng sản phẩm văn hóa để nâng tầm điểm đến. Làn sóng “Hàn lưu” - Hallyu đã góp phần kích cầu du lịch đặc biệt hiệu quả. Một khảo sát hậu lễ hội âm nhạc Kpop tại Pháp, đã cho thấy: 9/10 người bày tỏ mong muốn đến Hàn Quốc du lịch, 75% trong số đó đã bắt đầu lên kế hoạch cho chuyến đi.
Ví dụ khác là Thái Lan. Tại Bangkok, một đô thị không có nhiều lợi thế về tài nguyên rừng, biển nhưng lại tạo ra không ít “đặc sản”. Đó là sản phẩm du lịch đa dạng từ ẩm thực, tâm linh đến sinh thái… và cả các quần thể thương mại - sản phẩm du lịch đẳng cấp, chất lượng cao. Các tổ hợp mua sắm kết hợp vui chơi giải trí, nhà hàng sang trọng như Icon Siam, Asiatique, Siam Paragon… đều sở hữu màu sắc độc đáo, riêng biệt, tạo điểm nhấn hút khách.
Nếu lấy một ví dụ tại Việt Nam thì đó có thể là Sa Pa (Lào Cai). Những năm 90 đến đầu 2000, du lịch Sa Pa chưa đủ lực hấp dẫn để níu chân du khách quá 2 ngày. Tuy nhiên từ khi sản phẩm du lịch được đầu tư, nâng cấp với cáp treo Fansipan hay quần thể du lịch Sun World Fansipan Legend và nhiều sự kiện, lễ hội thường xuyên được tổ chức, một chương mới đã mở ra, Sa Pa đã trở thành điểm sáng của du lịch miền Bắc. Có thể lấy con số 720.000 lượt khách năm 2013 so với con số gần 3,3 triệu lượt khách năm 2019 tới Sa Pa, để minh chứng cho sự thay đổi này của phố núi, cũng như sức hút mà các sản phẩm du lịch bài bản có thể mang lại cho điểm đến này.
Dịch vụ chuyên nghiệp, văn minh
Nói về dịch vụ du lịch, một lần nữa, người Thái lại ghi điểm. Tại những nhà hàng, khách sạn hay chợ đêm tại quốc gia này, du khách gần như không phải lo về nạn chặt chém; hầu hết người làm dịch vụ tại đây đều thân thiện, chuyên nghiệp dù có thể gặp phải rào cản ngôn ngữ.
“Đến Thái Lan, tôi có thể gặp những bác tài nhiệt tình không ngại đóng vai hướng dẫn viên miễn phí. Một anh chủ homestay giúp chúng tôi lên lịch trình tham quan chi tiết. Một chủ tiệm ăn sẵn sàng tặng chúng tôi những ly nước mát lạnh do thời tiết quá nóng. Đó là lý do khiến tôi đi Thái nhiều lần vẫn muốn quay lại”, chị Thu Minh, du khách từ Hà Nội chia sẻ.
Trong khi đó, với Singapore, hạ tầng hiện đại và công nghệ được ứng dụng khắp mọi nơi là điều khiến không ít khách nước ngoài hài lòng. Chưa kể, quốc đảo này với những khu nghỉ dưỡng, tổ hợp dịch vụ đáp ứng tiêu chuẩn cao cấp bậc nhất còn là điểm đến ưa thích của giới thượng lưu hay siêu giàu thế giới.
Tại Việt Nam, hiện nay, một số điểm đến cũng bắt đầu xuất hiện những hệ sinh thái du lịch - giải trí - nghỉ dưỡng đẳng cấp, với dịch vụ chuyên nghiệp mang tầm quốc tế, trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút khách quốc tế và đặc biệt là giới nhà giàu. Ví như, tại Phú Quốc, loạt khu nghỉ dưỡng cao cấp như JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay Resort, New World Phu Quoc Resort, Premier Village Phu Quoc Resort… do Sun Group đầu tư đã biến Bãi Kem trở thành điểm đến quen thuộc của giới tỷ phú, minh tinh thế giới.
Hay Bà Nà Hills, nhờ được đầu tư chuyên nghiệp về dịch vụ, trải nghiệm vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng đạt chuẩn quốc tế, đặc biệt là Cầu Vàng - Top 10 kỳ quan mới của thế giới (theo Daily Mail - Anh), lượng du khách đến đây đã tăng 160 lần trong vòng 10 năm từ 2009 đến 2018.
Hướng đi bền vững cho ngành du lịch
Theo định nghĩa của Tổ chức Du lịch Thế giới, sản phẩm du lịch là sự kết hợp của các yếu tố hữu hình và phi vật thể, bao gồm: tài nguyên thiên nhiên; văn hóa; tài nguyên nhân tạo; điểm du lịch; cơ sở hạ tầng; dịch vụ, hoạt động đi kèm và truyền thông, tiếp thị điểm đến nhằm tạo ra những trải nghiệm tổng thể, cảm xúc cho du khách.
Từng sản phẩm du lịch nếu được đầu tư một cách có chiến lược, khâu vận hành sản phẩm được chăm chút thì có thể tạo ra sự nhất quán, hiệu ứng cộng hưởng làm đòn bẩy gia tăng sức hút cho điểm đến.
Đặc biệt, trong bối cảnh toàn bộ nền kinh tế bao gồm cả ngành du lịch đều đang hướng tới mục tiêu phát triển bền vững thì việc đa dạng hóa, phát triển những sản phẩm du lịch chất lượng cao, độc đáo và bền vững là hết sức cần thiết.
Trở lại với Singapore, quốc đảo này không có nhiều lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, nhưng ngành du lịch vẫn thường xuyên dẫn đầu khu vực về năng lực cạnh tranh, nhờ chú trọng đầu tư các sản phẩm du lịch công nghệ cao, hướng tới quảng bá một Singapore xanh và gia tăng chất lượng trải nghiệm của du khách.
Hướng tới đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Việt Nam thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, thời gian tới, ngành du lịch nội địa cần đầu tư nhiều hơn nữa cho những sản phẩm du lịch mới, độc đáo và cải thiện chất lượng dịch vụ. Cơ hội đang dành cho những địa phương biết nắm lấy thời cơ và chọn đúng nhà đầu tư có tầm, có tâm.
Doãn Phong