Sau vụ tai nạn 6 năm trước, bệnh nhân đã được phẫu thuật cố định mở bàng quang ra da, sau đó phẫu thuật tạo hình niệu đạo nhiều lần. Trong đó, 4 năm trước, anh được phẫu thuật tạo hình niệu đạo sau bằng niêm mạc miệng, rồi được nong niệu đạo định kỳ.
Gần đây, bệnh nhân vào khoa Nam học và Y học giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, với lý do tiểu khó, tia tiểu yếu, rối loạn cương sau chấn thương gãy khung chậu.
Sau khi khám, chụp X-quang niệu đạo bàng quang ngược dòng, anh được chẩn đoán bị rối loạn cương dương nặng, dù nồng độ testosteron sau khảo sát trong giới hạn bình thường, siêu âm bụng, tinh hoàn cũng không ghi nhận bất thường…
Do bệnh nhân không đáp ứng với các phương pháp điều trị bảo tồn khác, bác sĩ giải thích, bệnh nhân đồng ý chọn phương pháp đặt thể hang nhân tạo IPP loại 3 mảnh.
Sau mổ một ngày, bệnh nhân được rút dẫn lưu, 4 ngày sau được rút thông niệu đạo rồi xuất viện sau 1 tuần lên bàn mổ. Mới đây, khám lại sau 3 tháng "sửa súng", dụng cụ thể hang nhân tạo được bác sĩ đặt vào trong dương vật hoạt động tốt. "Bệnh nhân đã phục hồi chức năng cương dương để quan hệ tình dục, với khả năng xuất tinh và đạt khoái cảm như bình thường", bác sĩ khoa Nam học và Y học giới tính, chia sẻ ngày 8/8.
Theo các bác sĩ, rối loạn cương dương bản thân là một bệnh, cũng là triệu chứng của nhiều bệnh khác như suy giảm hormone sinh dục nam. Tình trạng này cần được thăm khám, chẩn đoán tỉ mỉ để xác định nguyên nhân, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Tại Việt Nam, không ít thanh niên chỉ khoảng 18-20 cũng có nguy cơ mắc bệnh, thậm chí còn có chiều hướng gia tăng mạnh.
Đối với điều trị rối loạn cương dương, thuốc là bước đầu tiên bệnh nhân được sử dụng, 80-90% trường hợp khỏi nhờ dùng thuốc, khi kết hợp với điều trị các bệnh lý nền, rối loạn cương dương có thể điều trị khỏi được hoàn toàn. Không ít trường hợp bệnh nhân không đáp ứng với thuốc điều trị thông thường và phải thay đổi rất nhiều mức và liều điều trị mà không giải quyết được triệt để...
Nhiều bệnh nhân bị rối loạn cương nhưng không đi khám đúng chuyên khoa tại cơ sở uy tín mà tự dùng thuốc, chỉ khi không thấy hiệu quả mới tìm đến bác sĩ nam khoa. Việc tự ý mua thuốc điều trị rất nguy hiểm bởi người bệnh có thể gặp phải biến chứng, các bệnh lý đi kèm.
Rối loạn cương dương sau chấn thương gãy khung chậu chiếm 11-30%. Nếu bị tổn thương niệu đạo, có tới gần một nửa bệnh nhân bị rối loạn cương.
Nhu cầu phục hồi chức năng cương của bệnh nhân trẻ tuổi có rối loạn cương do chấn thương khung chậu là rất lớn. Tuy nhiên, cơ chế bệnh sinh phức tạp do các thương tổn thương phối hợp của thần kinh, mạch máu, thể hang và nguyên nhân tâm lý, khiến việc điều trị rối loạn cương khó khăn.
Đặt thể hang nhân tạo điều trị rối loạn cương dương là kỹ thuật mới, được sử dụng ở Việt Nam lần đầu vào năm 2019, đến nay chỉ mới vài trung tâm nam khoa thực hiện đươc. Trong đó, đặt thể hang nhân tạo trên nền bệnh nhân chấn thương gãy khung chậu là thách thức với nhiều phẫu thuật viên giàu kinh nghiệm.