Lối sống "gấp đôi thu nhập, không sinh con" khiến nhiều người phẫn nộ, bất bình. Ảnh minh họa: SCMP. |
Trên mạng xã hội, nhiều cặp vợ chồng chia sẻ về các đặc quyền khi lựa chọn lối sống DINK (Double Income, No Kids), tức “gấp đôi thu nhập, không có con”. Họ là những người trưởng thành có công việc toàn thời gian và không phải chịu gánh nặng con cái.
DINK xuất hiện từ năm 1987, khi tờ Los Angeles Times lần đầu đề cập tới thuật ngữ này, rằng “hàng triệu cặp vợ chồng thuộc thế hệ Baby Boomer (sinh năm 1946-1964) làm việc vì tiền lương và đến nay chưa có con”.
Gần đây, thuật ngữ tiếp tục gây sự chú ý trên không gian mạng sau khi một số cặp vợ chồng phát hiện rằng hóa ra, có tên gọi riêng cho lối sống họ đang theo đuổi, Business Insider đưa tin.
Nhiều cặp bày tỏ niềm hạnh phúc khi cuộc sống chỉ có hai người, không cần con cái. Ảnh minh họa: Rodnae Productions/Pexels. |
Một số người quay video kể về những điều họ có thể làm với thời gian và khoản thu nhập đáng lẽ họ phải dành cho con cái, như những chuyến du lịch ngẫu hứng, đi chơi đêm hay mua quà tặng đắt đỏ. Một số khác bày tỏ niềm hạnh phúc khi không có con cái trong đời.
Những video trên thu hút hàng triệu lượt xem và vô số bình luận. Bên cạnh sự ủng hộ và tán thành, chúng đồng thời gây ra một cuộc tranh cãi lớn về lối sống DINK.
Đặc quyền của DINK
Một trong những video đã lan truyền mạnh mẽ và gây tiếng vang thuộc về tài khoản có tên Ness Baker, được đăng tải vào tháng 12/2022.
Trong đoạn clip thu hút 10,3 triệu lượt xem và 6.900 bình luận, TikToker này đang dọn dẹp căn hộ, đi mua đồ ăn, và sau đó nằm dài trên giường với bạn đời của mình.
Nhạc nền cho video là đoạn âm thanh có giọng nói, cho biết họ mới biết về thuật ngữ DINK, cũng như phiên bản mở rộng DINKWAD (thu nhập gấp đôi, không có con nhưng nuôi chó cưng).
DINKWAD là một phiên bản mở rộng khá phổ biến của DINK, nói về cuộc sống gấp đôi thu nhập, không có con nhưng nuôi chó cưng. Ảnh minh họa: Anastasia Shuraeva/Pexels. |
Ở mục bình luận, nhiều người cho biết họ có chung lối sống này với cặp đôi. Một số khác bình luận rằng họ hiện độc thân, nhưng khao khát ứng dụng lối sống DINK khi gặp đúng người.
Nhưng không phải tất cả đều ủng hộ lối sống gấp đôi thu nhập và không sinh con.
“Chúc may mắn khi bạn chết một mình ở tuổi 60-70 mà không có con cháu chăm sóc”, trích bình luận hàng đầu, nhận được hơn 5.400 lượt thích bên dưới video của Baker.
Chỉ riêng bình luận này đã tạo ra cuộc tranh cãi với hơn 1.100 phản hồi, xoay quanh vấn đề liệu sinh con có phải chỉ để có người chăm sóc mình trong tương lai.
Một tài khoản khác có tên Kate Anderson cho biết cô cũng nhận về nhiều nhận xét tiêu cực sau khi đăng video vào ngày 12/1, với tựa đề “Sao không ai nói về DINK?”.
Vợ chồng Anderson khoe có thể mua sắm tùy thích khi đi siêu thị vì không có con. Ảnh: @engelthang. |
Trong đoạn clip có 11,4 triệu lượt xem này, người phụ nữ nói rằng cô “mới kết hôn”, muốn chia sẻ cách mình cùng bạn đời sống ở tuổi 30 với 2 nguồn thu nhập và không có con.
Chẳng hạn, họ tới siêu thị và “dư dả để mua sắm thêm đồ đạc” vì gia đình không có thêm miệng ăn.
Trong số 6.700 bình luận, nhiều người cho biết họ cũng theo đuổi lối sống DINK và đang tận hưởng các “đặc quyền”, như giấc ngủ không bị gián đoạn, hay tận hưởng kỳ nghỉ thoải mái không có trẻ con.
Theo một cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew được công bố vào năm 2021, 44% những người ở độ tuổi 18-49 không có con, sống tại Mỹ nói rằng sẽ không bao giờ, hoặc khả năng cao sẽ sinh con.
Họ viện dẫn một số lý do như đơn giản không muốn có con, hoặc tài chính không đảm bảo. Tỷ lệ này đã tăng 7% so với cùng cuộc khảo sát năm 2018.
Bị tấn công, buộc tội
Bên cạnh đó, một số nói rằng hoàn cảnh của Anderson thật đáng buồn hoặc vợ chồng cô sẽ chết trong cô đơn. Thậm chí, người phụ nữ này bị buộc tội “ghét trẻ con”.
“Bạn bè của chúng tôi đã lập gia đình và sinh con. Vợ chồng tôi cũng có các cháu ruột. Chúng tôi vẫn thích dành thời gian cho những đứa trẻ đó và tất nhiên rất chiều chuộng chúng”, Anderson đáp lại.
Thực tế, những nội dung đăng tải trên mạng xã hội nói về quyết định không sinh con thường bị chỉ trích nặng nề từ công chúng, theo Business Insider.
Tháng 2, Natalie Bright (42 tuổi), sống ở New York (Mỹ), đã đăng tải đoạn clip liệt kê những bình luận gây tổn thương mà cô nhận được khi chia sẻ quyết định không sinh con của mình.
Một số bình luận bao gồm "Ai sẽ chăm sóc khi cô qua tuổi 70?", "Cô không biết tình yêu đích thực cho đến khi sinh con", "Cô sẽ chết một mình" và "Cô đã thất bại trong cuộc sống".
Lối sống DINK đang thu hút sự quan tâm của các cặp vợ chồng trẻ ở nhiều quốc gia. Ảnh minh họa: Samson Katt/Pexels. |
Tháng 3, một thư tin (newsletter) do nhà sáng tạo nội dung Madalin Giorgetta viết về quyết định không sinh con đã làm dấy lên làn sóng ghét bỏ, tẩy chay và tấn công cô.
Song, những nội dung về lối sống DINK trên mạng xã hội không có dấu hiệu suy giảm, bất chấp tranh cãi có thể gây ra. Hashtag #DINK hiện có 205 triệu lượt xem trên TikTok.
Vài tuần sau phản ứng dữ dội, tài khoản Anderson vẫn tiếp tục chia sẻ về cuộc sống không con cái của vợ chồng cô, bao gồm những vlog về buổi tối hẹn hò, cuộc vui chơi không trẻ em hay cách lập ngân sách, tài khoản tiết kiệm, thu hút nhiều người quan tâm.
DINK cũng trở thành lựa chọn ngày càng trở nên phổ biến của thế hệ trẻ trên khắp thể giới, điển hình là Trung Quốc.
Julia Li kết hôn ở độ tuổi cuối 30 và vẫn trì hoãn việc sinh con suốt nhiều năm. Gia đình và bạn bè thúc giục Li có em bé gần như hàng ngày. Ngay cả chính phủ Trung Quốc dường như cũng đang cố gắng thuyết phục cô ấy, đưa ra một loạt biện pháp khuyến khích mới, bao gồm thời gian nghỉ thai sản kéo dài, theo Sixth Tone.
Thế nhưng, tháng 8/2021, Li và chồng quyết định trở thành một cặp vợ chồng DINK. Cô cảm thấy chi phí để sinh một đứa trẻ lớn hơn bất kỳ lợi ích nào, đặc biệt việc hồi phục sau khi sinh con ở độ tuổi của cô sẽ là một “thách thức lớn”.
“Tôi sẽ phải đối mặt với nguy cơ lão hóa nhanh, mất dáng và mất năng lượng. Nó sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tiến trình phát triển nghề nghiệp và khả năng cạnh tranh của tôi”, Li chia sẻ.
Theo Zing