Sáng 20/10, Thành ủy TP.HCM đã tổ chức hội nghị chuyên đề “công tác giải ngân vốn đầu tư công”.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã nhắc tới dự án chống ngập 10 nghìn tỷ đồng.
Theo ông, Thường trực Thành ủy đã tiến hành nhiều bước tháo gỡ, trong đó thành lập các đoàn kiểm tra đi thực tế các dự án để có giải pháp chỉ đạo.
“Riêng tôi chịu trách nhiệm giám sát hai dự án, trong đó có dự án chống ngập. Nhưng đến nay, tiến độ các dự án vẫn chưa thấy chuyển biến nhiều”, Bí thư Thành ủy thông tin.
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, dự án chống ngập là một dự án lớn nhưng đang gặp nhiều vướng mắc mà ở cấp thành phố không tự giải quyết được, phải báo cáo Thường trực Chính phủ cho ý kiến tháo gỡ.
Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy đã họp và đưa ra hai phương án giải quyết trình Thường trực Chính phủ và Chính phủ cũng gửi đến các bộ ngành xem xét.
Thường trực Chính phủ đã triệu tập một hội nghị các bộ, ngành có liên quan để cân nhắc hai phương án của thành phố. Sau đó, thống nhất thành lập tổ công tác tháo gỡ vướng mắc cho dự án chống ngập do một Phó Thủ tướng làm tổ trưởng.
“Tôi nghe đồng chí tổ trưởng tổ công tác của Chính phủ nói, dự án này đang thực hiện theo Nghị quyết 40 của Chính phủ khóa trước. Còn một số việc tổ công tác hỏi thành phố nhưng chưa trả lời được. Đây là món nợ của anh Cường (Phó Chủ tịch TP.HCM Bùi Xuân Cường - PV), anh phải trả lời để người ta cho ý kiến tháo gỡ vướng mắc cho dự án”, Bí thư Thành ủy chỉ đạo.
Bí thư Nguyễn Văn Nên thông tin thêm, qua trao đổi với tổ công tác của Chính phủ, cuối năm nay sẽ triển khai vận hành dự án chống ngập theo kế hoạch, còn khi nào hoàn thành thì chưa có mốc thời gian cụ thể. Ban Thường vụ Thành ủy sẽ quyết liệt hơn trong công tác kiểm tra, giám sát dự án.
Trước đó, tại cuộc tiếp xúc với cử tri quận 7, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, dự án chống ngập là một trong những dự án gặp vướng mắc lớn và thành phố cũng bỏ nhiều công sức tháo gỡ.
Dự án này nhiều lần dừng rồi tái khởi động và tiếp tục dừng là do nhà đầu tư khó khăn về tài chính.
Theo ông Mãi, đến giờ này, khối lượng chung của dự án đã đạt trên 90%, chỉ còn 10% (khoảng 1.800 tỷ) nhưng nhà đầu tư không đủ tài chính để tiếp tục.
Thành phố đã đề xuất có cơ chế thanh toán sớm từ phía địa phương để nhà đầu tư hoàn thành công trình. Tuy nhiên, do dự án chưa hoàn thiện để nghiệm thu nên chưa có cơ sở để chi.
Người đứng đầu chính quyền thành phố thông tin, trong năm nay, ngân sách Trung ương và TP dành cho đầu tư hơn 64.000 tỷ đồng. TP sẽ sử dụng 5.700 tỷ cho dự án chống ngập, nhưng dự án chưa xong thì chưa thể thanh toán được.
“Do đó, thành phố đang xin cơ chế được sử dụng một phần trong 5.700 tỷ, gắn với khối lượng nhà đầu tư đã hoàn thành (trên 3.200 tỷ) thì hoặc cho vay hoặc thanh toán sớm để nhà đầu tư hoàn thành dự án”, ông Mãi nói.