Nói về tuyến metro số 1 mất gần 20 năm xây dựng mà chưa xong, Bí thư Thành ủy TPHCM bày tỏ đây là điều "không thể chấp nhận". Theo ông, nếu không đổi mới cách làm, không có giải pháp đột phá thì khó triển khai 200km đường sắt còn lại.
Sáng nay (13/6), Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM tổ chức hội nghị lần thứ 31 bàn về phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng của thành phố.
Metro số 1 nhiều lần thất hứa
Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đặc biệt lưu ý đến Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM.
Theo ông Nên, trước khi triển khai đề án này, thành phố đã tổ chức các chuyến đi nghiên cứu, học tập mô hình nước ngoài.
“Nhiều chuyên gia, nhà quản lý nói rằng thành phố không có hệ thống đường sắt hoàn chỉnh là bất ổn. Chúng ta phải quyết tâm để không rơi vào tình cảnh đó” - ông Nên bày tỏ.
Theo ông Nên, Thủ tướng đã phê duyệt 8 tuyến đường sắt đô thị của thành phố, với tổng chiều dài 220km. Đến nay, qua gần 20 năm, dù đã nỗ lực và quyết tâm, nhưng tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) mới hoàn chỉnh được 96% và đang vào giai đoạn cuối để cố gắng vận hành trong năm nay.
“Với tuyến metro số 1, chúng ta đã nhiều lần thất hứa, có những thứ cứ tưởng dễ dàng thực hiện nhưng lại vướng nhiều thủ tục. Mà những vướng mắc này không thể tháo gỡ hay vượt qua bằng quyết tâm chính trị. Nếu 200km còn lại mà làm như thế thì không thể chấp nhận được” - ông Nên bày tỏ quan điểm.
Bí thư Thành ủy cho rằng thành phố phải đổi mới cách làm, có tính đột phá thì mới rút ngắn thời gian và thực hiện có hiệu quả việc xây dựng hệ thống đường sắt đô thị.
Để cụ thể hóa chủ trương trên, trong việc chuẩn bị Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XII tới, phải đưa tính đột phá vào nghị quyết.
Về đề án này, Chủ tịch TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, sau năm 2030 sẽ hình thành thêm 5 thành phố trong thành phố (5 vùng đô thị - PV). Khi đó, đường sắt đô thị sẽ là một phương thức kết nối kết nối 5 vùng đô thị này với trung tâm thành phố.
“Tuy nhiên, thời gian vừa qua, do không phát triển đồng bộ hạ tầng nên đô thị của chúng ta vẫn là "vết dầu loang" - ông Mãi nói.
Theo ông Mãi, để hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị theo quy hoạch, thành phố cần tới 36 tỷ USD đầu tư. Thành phố cũng tính tới phương án đầu tư công cho vấn đề này.
Cũng theo người đứng đầu chính quyền thành phố, để huy động nguồn vốn, TPHCM có thể thực hiện phương thức phát hành trái phiếu.
“Tôi đã làm việc với một số ngân hàng lớn trên địa bàn, ý kiến của họ là nếu phát hành trái phiếu với lãi suất phù hợp thì nguồn vốn huy động phát triển đường sắt sẽ không thành vấn đề” - ông Mãi thông tin.
Có đường sắt sẽ có các 'khu đô thị TOD'
Báo cáo tại phiên họp, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm cho biết, hệ thống đường sắt đô thị TPHCM bắt đầu xây dựng từ năm 2007. Tuy nhiên, tiến độ triển khai chậm, không đáp ứng nhu cầu vận tải, hạ tầng giao thông, không bắt kịp tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ hiện nay. Do đó, tình trạng mất cân đối về thị phần vận tải giữa các phương thức đã dẫn đến nhiều hệ lụy như ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, chi phí vận tải lớn, ô nhiễm môi trường...
Cũng theo lãnh đạo Sở GTVT, phát triển đường sắt đô thị trước hết nhằm mục tiêu đáp ứng nhu cầu giao thông, đồng thời tạo cơ hội phát triển các khu đô thị hiện đại theo mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng).
"Phát triển đô thị theo định hướng TOD đã được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện thành công. Theo thống kê của Hiệp hội quốc tế về giao thông công cộng, các đô thị bắt đầu phân tích nhóm theo hướng sử dụng phương tiện cá nhân hay giao thông công cộng khi thu nhập bình quân đầu người khoảng 3.000-5.000 USD.
Với thu nhập bình quân đầu người năm 2022 của TPHCM khoảng 3.271 USD, Ngân hàng thế giới (WB) cho rằng đây là thời điểm thích hợp để triển khai TOD” - ông Lâm cho biết.
Cũng theo ông Lâm, mục tiêu chính của TOD là phát triển các đô thị hiện đại, gắn với các tuyến đường sắt đô thị.
"Đường sắt đô thị sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho kết nối các khu đô thị, thu hút người dân sinh sống, làm việc tại đây, từ đó làm gia tăng giá trị đất đai các khu vực, tạo nguồn lực đầu tư phát triển cho thành phố.
Ở chiều ngược lại, bản thân TOD cũng là điểm phát sinh, thu hút lưu lượng hành khách đi lại, góp phần khai thác tối đa năng lực vận tải và tăng cường hiệu quả đầu tư các tuyến đường sắt đô thị" - ông Lâm nhấn mạnh.
Theo kế hoạch đã được phê duyệt của TPHCM, đến năm 2035: Xây dựng hoàn thành khoảng 183km đường sắt đô thị (loại hình vận tải hành khách khối lượng lớn, tần suất cao). Cụ thể là Tuyến đường sắt đô thị số 1 - 40,8/40,8km; Tuyến số 2 - 20,22/62,8km; Tuyến số 3 - 29,53/62,1km; Tuyến số 4 - 36,82/43,4km; Tuyến số 5 - 32,5/ 53,8km; Tuyến số 6 - 22,85/53,8km.
Đến năm 2045: hoàn thành số km còn lại của tuyến số 2, 3, 4, 5, 6 và xây dựng tuyến số 7 với 30,9km.
Đến năm 2060: Xây dựng thêm khoảng 168,36km để hoàn thiện 7 tuyến đường sắt đô thị (theo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060), nâng tông chiều dài đường sắt đô thị lên khoảng 351,08km.