Liên quan đến việc phá dỡ toàn nhà Pháp cổ 4 mặt tiền phá dỡ xây cao ốc, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu Ban cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố, các sở, ngành của thành phố theo chức năng nhiệm vụ được giao khẩn trương có văn bản yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng thi công công trình tại số 61 Trần Phú (quận Ba Đình); đồng thời, tổ chức kiểm tra quy trình, thủ tục triển khai dự án nêu trên.
Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội đề nghị Hà Nội trước mắt tạm dừng thi công; rà soát về các chỉ tiêu quy hoạch, phương án kiến trúc công trình tại số 61 phố Trần Phú, quận Ba Ðình, Hà Nội đảm bảo tuân thủ quy định, phù hợp với quy hoạch, không gian, kiến trúc, cảnh quan Khu trung tâm chính trị Ba Ðình (nội dung này cũng đã được Bộ Xây dựng lưu ý tại Văn bản số 515/BXD-QHKT ngày 24/3/2016 gửi UBND thành phố Hà Nội).
Bên cạnh đó, nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phản ánh để có giải pháp thực hiện phù hợp; công bố thông tin đầy đủ, đảm bảo công khai, minh bạch.
Ghi nhận của PV VietNamNet, trước khi bị “tuýt còi” công trình đã được phá dỡ gần hết, chỉ còn dãy nhà phía mặt phố Hùng Vương chưa bị tác động nhiều, cơ bản nguyên vẹn, bên trong công trình ngổn ngang chỉ còn đống gạch đá.
Khu đất trên rộng hơn 9.000m2 là trụ sở chính và nhà máy sản xuất của Công ty CP thiết bị Bưu điện (POSTEF), đây vốn nhà máy cũ được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Tòa nhà này được quy hoạch với 4 dãy nhà 2 tầng mái ngói đỏ chạy dọc 4 mặt tiền, bao quanh công trình nhà máy có cấu trúc mái vì kèo bê tông cốt thép rất độc đáo ở giữa.
Để thay thế tòa nhà Pháp cổ 4 mặt tiền sau phá dỡ, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt xây dựng một khu tổ hợp thương mại, dịch vụ, khách sạn cao cấp; khai thác tối đa không gian ngầm phục vụ thương mại, dịch vụ.
Mật độ xây dựng khoảng 50%; 11 tầng nổi + tum thang kỹ thuật và 6 tầng hầm; tổng diện tích sàn khoảng 32.306m2, tổng diện tích sàn tầng hầm khoảng 43.023m2; chiều cao 42,9m.
Hoài Nam