Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mới đây đã trao quyết định công nhận 2 Bảo vật quốc gia cho tỉnh Hà Nam: Bia đá chùa Giàu (xã Đinh Xá, Phủ Lý) và Trống đồng Tiên Nội 1 (trong bộ sưu tập 16 chiếc của Bảo tàng tỉnh Hà Nam).
Tại Quần thể danh lam thắng cảnh Tam Chúc đã diễn ra lễ khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch Hà Nam năm 2023 với chủ đề Hà Nam – Hành trình kết nối và chương trình giao lưu nghệ thuật truyền thống Việt Nam – Nhật Bản nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (21/9/1973 – 21/9/2023).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio tới thăm, dâng hương và khai thanh Đại Hồng Chung cầu nguyện quốc thái dân an tại chùa Tam Chúc.
Tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao quyết định công nhận 2 Bảo vật quốc gia cho tỉnh Hà Nam: Bia đá chùa Giàu (xã Đinh Xá, Phủ Lý) và Trống đồng Tiên Nội 1 (trong bộ sưu tập 16 chiếc của Bảo tàng tỉnh Hà Nam).
Đồng thời, Bộ VHTT&DL đã trao quyết định xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia với 4 di tích của Hà Nam: Căn cứ địa Lạt Sơn (xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng); Danh lam thắng cảnh Bát Cảnh Sơn (xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng); Quần thể danh lam thắng cảnh Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng); Mộ và Khu lưu niệm Nam Cao (xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân).
Tại chương trình, các nghệ sĩ Nhật Bản cũng biểu diễn kịch truyền thống Kyogen - thể loại hài kịch đầu tiên ra đời tại Nhật Bản với bề dày truyền thống 650 năm, đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa thế giới.
Theo Đại sứ Nhật Bản Yamada Takio, người dân Việt Nam và Nhật Bản tương đồng về sự hài hước. Sự đồng cảm và thấu hiểu lẫn nhau đã góp phần vun đắp nền tảng cho phát triển mạnh mẽ của quan hệ Nhật Bản-Việt Nam.
"Thông qua tiết mục hài kịch truyền thống Kyogen hôm nay, tôi hy vọng quý vị có thể một lần nữa khám phá ra sự sâu sắc trong sợi dây kết nối văn hóa giữa Nhật Bản và Việt Nam,” Đại sứ Yamada Takio nói.
Bảo vật quốc gia Bia đá chùa Giàu và Trống đồng Tiên Nội 1
Bia đá chùa Giàu nằm trong khuôn viên chùa Giàu tại thôn 2, xã Đinh Xá, thành phố Phủ Lý, được dựng năm 1366, khắc nổi chân dung một vị Hoàng đế thời Trần. Đây là tấm bia cổ duy nhất có niên đại thời Trần được phát hiện tại Hà Nam, thể hiện nghệ thuật trang trí độc đáo và nhiều giá trị tư liệu để nghiên cứu về lịch sử, mỹ thuật, địa danh hành chính, tôn giáo, tín ngưỡng… thời Trần.
Trống đồng Tiên Nội 1 là hiện vật độc đáo trong bộ sưu tập trống đồng Đông Sơn gồm 16 chiếc của Bảo tàng tỉnh Hà Nam. Mặt trống có hoa văn trang trí là sự kết hợp của các hoa văn kỷ hà và hoa văn tả thực. Vành hoa văn số 7 được trang trí chủ đề chim và cá. Cho đến nay, sự kết hợp này duy nhất chỉ được bắt gặp trên mặt trống Tiên Nội 1, với niên đại dự đoán trong khoảng từ thế kỷ IV đến thế kỷ thứ III trước Công Nguyên.
Tiêu bản Trống đồng Tiên Nội 1 rất có giá trị để nghiên cứu về kỹ thuật đúc đồng, sự thành thạo trong pha trộn hợp kim của cư dân Lạc Việt; trang trí trên trống biểu hiện cho các tinh hoa về nghệ thuật, tư duy thẩm mỹ và là biểu tượng của cư dân Việt cổ hơn 2.000 năm trước.