Trọng tâm chính trong chiến dịch tranh cử của Biden là nâng cao vị thế Mỹ trên trường thế giới sau cách tiếp cận chính sách đối ngoại theo chủ nghĩa biệt lập của ông Trump.
Trọng tâm chính trong chiến dịch tranh cử của Biden là nâng cao vị thế Mỹ trên trường thế giới. Ảnh: Newsweek |
Thời điểm Joe Biden nhậm chức chính là thời điểm vị thế của Mỹ trên thế giới lao dốc ở mức kỷ lục. Trong số 60 quốc gia và khu vực được Gallup khảo sát ý kiến về vai trò lãnh đạo của Mỹ trong năm cuối cùng Donald Trump làm Tổng thống, tỷ lệ tín nhiệm trung bình chỉ ở mức 22%.
Phục hồi vị thế
Sáu tháng sau khi ông Biden lên nắm quyền, vị thế toàn cầu của Mỹ phần lớn đã được phục hồi. Theo cuộc thăm dò vào tháng 8/2021 của Gallup tại 46 quốc gia và vùng lãnh thổ, tỷ lệ tín nhiệm trung bình đối với Mỹ ở mức 49%.
Thomas Schwartz, nhà sử học về quan hệ đối ngoại của Mỹ tại trường Đại học Vanderbilt, cho rằng Biden bước vào nhiệm kỳ tổng thống với kỳ vọng rất thấp. Ông nói: “Ngoại trừ một số rất ít quốc gia, đặc biệt là Israel và Arập Xêút, ông Trump bị hầu hết các nhà lãnh đạo nước ngoài tẩy chay, đến mức họ cho rằng chỉ cần một người khác không phải là Trump lên làm Tổng thống đã là một điều tốt".
Tuy nhiên, theo Schwartz, việc “không phải là Trump” không đưa Biden đi quá xa. Mặc dù kế thừa thời hạn rút quân khỏi Afghanistan từ người tiền nhiệm, nhưng hành động thực thi thảm hại của Biden đã làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của Mỹ trên trường quốc tế và uy tín về năng lực trong nước.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đã liệt kê một số thành tựu của chính quyền Biden trong lĩnh vực đối ngoại. Trong đó, Mỹ đã giành lại quyền lãnh đạo đối với một số thách thức toàn cầu lớn nhất, nhất là đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, đồng thời khôi phục các liên minh, giải quyết tranh chấp thương mại với các nước châu Âu.
Nước Mỹ cũng nâng cao quan hệ đối tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thông qua Nhóm Bộ tứ gồm Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản, cũng như liên minh an ninh 3 bên gồm Australia và Anh và Mỹ (AUKUS). AUKUS sẽ cung cấp cho Australia tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và thúc đẩy sự hợp tác tiên tiến giữa 3 quốc gia về không gian mạng, trí tuệ nhân tạo và công nghệ lượng tử.
Chuyên gia Kenneth Weinstein của Viện Hudson nhận định: “Thỏa thuận này có thể làm thay đổi động lực an ninh tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nếu chúng tôi thực sự có thể cung cấp các tàu ngầm trước thời hạn năm 2042”.
Tháng 9/2021, Biden đã rút quân đội Mỹ ra khỏi Afghanistan, chấm dứt cuộc chiến lâu nhất của nước Mỹ. Tuy nhiên, việc rút lui được đánh dấu bằng sự hỗn loạn trong những ngày cuối cùng, khiến Biden trở thành đối tượng bị lưỡng đảng chỉ trích.
Ảnh: MGN |
Michael Kugelman, một thành viên cấp cao về Nam Á tại Trung tâm Wilson, nói: “Chủ nghĩa khủng bố ngày càng gia tăng và sự tiếp quản của Taliban đã dẫn đến các lệnh trừng phạt khiến Afghanistan rơi vào tình thế khủng hoảng nhân đạo mà có thể dẫn đến nạn đói hàng loạt. Tôi cho rằng sự rút lui hỗn loạn, dồn dập này của Mỹ được coi là có liên hệ đến những kết quả đó”.
Cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc
Việc quản lý cuộc cạnh tranh chiến lược với Bắc Kinh, một học thuyết quan trọng của chính quyền Trump, vẫn là khuôn khổ xác định mối quan hệ Mỹ-Trung dưới thời chính quyền hiện tại.
Biden đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 11/2021 để thảo luận về “nỗ lực không ngừng nhằm quản lý một cách có trách nhiệm” mối quan hệ có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát giữa 2 đối thủ cạnh tranh trong các lĩnh vực thương mại, ảnh hưởng địa chính trị và gần đây là sức mạnh quân sự.
Chính quyền Biden vẫn tiếp tục coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh gay gắt nhất, mang tính hệ thống và mang tính thể chế mà Mỹ phải đối mặt, nhấn mạnh cạnh tranh là bản chất của quan hệ Trung-Mỹ.
Chính quyền Biden nhấn mạnh phải triển khai cạnh tranh lâu dài với các đối thủ như Trung Quốc, ngày càng quan tâm nhiều hơn đến việc kiểm soát chi phí cạnh tranh, tập trung giải quyết những tổn hại hoặc sự đáp trả mà các biện pháp cạnh tranh gây ra cho lợi ích của nước Mỹ.
Các cơ quan như Nhà Trắng, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao đã “tối ưu hóa” những biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào nước khác. Ngoài ra, Biden còn nhấn mạnh phải vận dụng tổng hợp các biện pháp quyền lực của Mỹ, thay vì quá phụ thuộc vào biện pháp quân sự, cho rằng ngoại giao nên trở thành công cụ quyền lực hàng đầu của Mỹ.
Để đạt được mục tiêu này, chính quyền Biden tích cực xây dựng cơ chế ngoại giao có thể thích ứng với thời kỳ cạnh tranh nước lớn mới.
Tháng 10/2021, Ngoại trưởng Blinken công bố kế hoạch hiện đại hóa Bộ Ngoại giao, các biện pháp cải cách như thành lập Cục Chính sách số và không gian mạng mới, bổ nhiệm các đặc phái viên phụ trách các vấn đề công nghệ quan trọng và mới nổi, tăng cường phối hợp chính sách quốc tế trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, thông tin lượng tử và công nghệ sinh học…
Ông Blinken nói: “Để bảo vệ an ninh quốc gia, chúng ta phải tăng cường đầu tư vào năng lực công nghệ và nâng cao vị thế của lĩnh vực này trong ngoại giao và quốc phòng”.
Nhà Trắng còn tập trung vào nhu cầu của các cuộc chiến trong tương lai, điều chỉnh mạnh mẽ cơ cấu chi tiêu quốc phòng, tập trung ngày càng nhiều nguồn lực hơn vào các khoản đầu tư thông minh trong lĩnh vực khoa học và công nghệ như mạng Internet, vũ trụ, hệ thống không người lái và trí tuệ nhân tạo.
Trong gần 1 năm kể từ khi lên nắm quyền, chính quyền Biden về cơ bản không điều chỉnh các biện pháp hạn chế thương mại đối với Trung Quốc từ thời Trump, mà là duy trì thuế quan mang tính trừng phạt để giảm thiểu sự phụ thuộc của Mỹ vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc.
Đồng thời, Washington đã cơ bản khôi phục các mối quan hệ kinh tế và thương mại giữa Mỹ với các đồng minh bị tổn thương do cuộc chiến thuế quan, và thực hiện các hành động phối hợp trên các phương diện như cải cách WTO, xây dựng các quy tắc thương mại kỹ thuật số để hối thúc các đồng minh hợp tác ngày càng chặt chẽ hơn với Mỹ trong việc ứng phó với thách thức đến từ Trung Quốc.
Chính quyền Biden coi cạnh tranh công nghệ là nòng cốt của cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, tìm cách tăng cường gây sức ép về công nghệ với Trung Quốc thông qua việc tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển trong nước, hoàn thiện sách lược “sân nhỏ, rào cao” và thiết lập “liên minh công nghệ dân chủ”.
Nhà Trắng tăng cường hơn nữa Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nâng cấp cơ chế đối thoại an ninh 4 bên (Bộ tứ) gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia, thiết lập quan hệ đối tác an ninh 3 bên (AUKUS) gồm Mỹ, Anh và Australia, thúc đẩy sự “răn đe tổng hợp” đối với Trung Quốc, tăng cường các hoạt động ngoại giao với các nước ASEAN, tìm cách xây dựng “khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.
Cuộc gặp trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 11/2021. Ảnh: AP |
Chính quyền Biden đã cùng với các nước phương Tây đưa ra sáng kiến “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” (B3W), nhằm đối trọng lại sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) của Trung Quốc.
Mỹ rất coi trọng sự phối hợp với các đồng minh và các nước đối tác, tích cực định hình lại hệ thống liên minh do Mỹ lãnh đạo, thiết lập các cơ chế mới đa tầng, có tính mục đích và linh hoạt (như Hội đồng thương mại và công nghệ Mỹ-EU), cố gắng tăng cường hiệu quả của việc gây áp lực với Trung Quốc thông qua “kiểm soát và cân bằng bằng quy tắc”.
Đối với Nga
Trong khi đó, Nga cũng không đứng ngoài cuộc. Trong những tuần gần đây, Tổng thống Vladimir Putin đã huy động hàng chục nghìn quân dọc theo biên giới Ukraine. Putin nói rằng ông muốn ngăn chặn sự mở rộng về phía Đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - trọng tâm chính của hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Biden-Putin vào tháng 12/2021.
Andrew Lohsen, học giả của chương trình châu Âu, Nga và Á-Âu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, nói: “Những gì chúng ta đang thấy ở đây là một số hành vi của Nga để nhắc nhở Mỹ rằng họ vẫn ở đó, họ vẫn có những lợi ích mà họ muốn theo đuổi và những lợi ích đó không thể bị bỏ qua”.
Moscow gần đây đã vạch ra các yêu cầu về một thỏa thuận an ninh mới sâu rộng với phương Tây, bao gồm đảm bảo rằng NATO sẽ không chỉ ngừng mở rộng xa hơn về phía Đông mà còn rút lại tất cả hoạt động quân sự ở Ukraine và các nơi khác ở Đông Âu, Trung Á và vùng Caucasus. Họ cũng yêu cầu cấm điều động tàu chiến và máy bay của Mỹ, Nga đến các khu vực có thể tấn công lãnh thổ phía bên kia.
Max Bergmann, thành viên cấp cao tại Trung tâm vì tiến bộ Mỹ, cho rằng Nga muốn Washington và Moscow “ngồi xuống và phân chia bản đồ thế giới giống như năm 1921 thay vì năm 2021”. Những yêu cầu cứng rắn này dường như chắc chắn bị Mỹ và các đồng minh bác bỏ, bởi họ nhấn mạnh rằng Moscow không thể ra lệnh cho sự mở rộng của NATO.
Chính quyền Mỹ cho biết họ sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc đàm phán cấp cao với cả Moscow và Bắc Kinh, không chỉ để tránh xung đột mà còn hợp tác trong các lĩnh vực có lợi ích chung, chẳng hạn như đại dịch, biến đổi khí hậu và các vấn đề khu vực như Iran.
Quan hệ với châu Âu
Thành tích của Biden trong quan hệ với các nước châu Âu cũng không được như ý muốn cho đến nay khi ông gặp khó khăn trong việc xây dựng lập trường chung rõ ràng ứng phó Nga giữa các đối tác xuyên Đại Tây Dương.
Biden đã thành công trong nỗ lực khiến châu Âu áp dụng cách tiếp cận hoài nghi hơn đối với Trung Quốc liên quan đến các vấn đề công nghệ tiên tiến như 5G, nhưng cuộc khủng hoảng lòng tin nảy sinh trong quan hệ song phương với Pháp sau khi ký kết AUKUS.
Mặc dù chính quyền Biden đã đạt một số tiến bộ trong việc khắc phục những thiệt hại do thời Trump gây ra, nhưng khó có thể nói rằng ông đã thành công trong việc cho phép liên minh phương Tây cùng hành động trong các vấn đề cùng quan tâm như đại dịch Covid-19, Nga và Trung Quốc.
Khi nhìn vào kết quả hoạt động chính sách đối ngoại của chính quyền Biden trong năm đầu tiên, chúng ta thấy rằng, Mỹ đang cố gắng trở lại vị trí dẫn đầu toàn cầu, nhưng đồng thời cũng gặp khó khăn trong việc hình thành các sáng kiến quốc tế mới.
Trong bối cảnh này, có thể lập luận rằng khẩu hiệu "Nước Mỹ đã trở lại" của Biden vẫn chưa được thực hiện, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại.
Hoàng Việt
Kỳ 1 - Một năm Biden cầm quyền: Hồi sinh lớp trung lưu, chia rẽ trong lòng nước Mỹ
Ông Joe Biden nhậm chức trong tình thế khá ngặt nghèo. Sự cáo buộc gian lận từ Trump và những người ủng hộ với kết quả bầu cử chưa chấm dứt, nước Mỹ chia rẽ.