Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) có hàng loạt tòa nhà chọc trời lấp lánh, và những căn nhà triệu USD. Song thực tế, Hong Kong cũng là nơi chứng kiến cuộc khủng hoảng nhà ở dường như là nan giải nhất trên thế giới.
Tại Hong Kong, một căn nhà bình thường được bán với giá hơn 1 triệu USD, thậm chí một chỗ đỗ xe cũng có thể có giá gần 1 triệu USD. Hơn 200.000 người đang phải chờ đợi ít nhất là 5 năm mới đến lượt được mua nhà trợ giá.
Theo CNN, một phần nguyên nhân đẩy giá nhà tại Hong Kong tăng cao là do số lượng nhà từ lâu đã không đáp ứng được nhu cầu của hơn 7 triệu dân.
Hồi tháng 10/2022, Đặc khu trưởng Hong Kong Lý Gia Siêu nhấn mạnh vấn đề nhà ở hiện “đứng đầu trong chương trình nghị sự". Ông cam kết xây thêm 30.000 căn hộ trong vòng 5 năm tới.
Nhiều người đã kêu gọi chính quyền đặc khu tái sử dụng các khu cách ly Covid-19 rộng lớn mà thành phố từng xây dựng trong thời kỳ dịch bệnh. Những khu vực này đang bị bỏ trống và không được sử dụng, trong khi hàng nghìn người dân Hong Kong đang thiếu nơi ở.
Ông Paul Zimmerman, ủy viên hội đồng ở quận phía nam Hong Kong và đồng sáng lập tổ chức vận động quy hoạch đô thị Designing Hong Kong, cho rằng “Câu hỏi đặt ra bây giờ là: Cần làm gì với những khu cách ly này?”.
Không ít người cho rằng việc xây dựng ồ ạt và tốn kém các khu cách ly càng làm trầm trọng thêm vấn đề nhà ở tại Hong Kong.
Chính quyền đặc khu không tiết lộ về chi phí xây dựng các khu cách ly. Nhưng tổng số tiền chi trả trong 3 năm chống dịch Covid-19 đã lên tới 76 tỷ USD, theo số liệu chính thức của cơ quan tài chính Hong Kong.
Kế hoạch xây dựng nhà ở công cộng đã bị kéo dài suốt nhiều năm mà chưa có hướng giải quyết, khiến nhiều người thắc mắc tại sao chính quyền đặc khu có thể nhanh chóng "tìm ra" được khoảng 80 hécta đất, và dựng lên 40.000 căn phòng cách ly chỉ trong vài tháng.
Ông Brian Wong tại Cộng đồng Nghiên cứu Liber ở Hong Kong cho rằng chính quyền nên áp dụng cách tiếp cận nhanh chóng tương tự để xử lý nhanh cuộc khủng hoảng nhà ở. Theo ông, các khu cách ly là phép thử đối với quyết tâm của chính quyền đặc khu khi chuyển đổi chức năng sang nhà ở xã hội.
Diện tích nhỏ nhưng nhiều người khao khát
Chỉ 3 trong số 8 khu cách ly từng được sử dụng. Năm khu còn lại được xây dự phòng, giữa lúc tỷ lệ tiêm chủng đã tăng lên và số ca mắc bệnh giảm xuống.
Khu cách ly rộng lớn nhất là ở Penny's Bay nằm cạnh công viên Disneyland. Nơi này từng có hơn 270.000 người cách ly và sử dụng gần 10.000 phòng trong 958 ngày hoạt động trước khi đóng cửa vào ngày 1/3. Khu cách ly thứ hai nằm cạnh bến du thuyền Kai Tak, và khu thứ ba nằm gần một cảng container vận chuyển. Số còn lại nằm dọc theo vùng ngoại ô phía bắc.
Mỗi căn phòng cách ly có diện tích 18,5m2, trang bị phòng vệ sinh, vòi tắm hoa sen và giường ngủ. Một số căn phòng còn có cả bếp nấu ăn. Dù những căn phòng này có diện tích nhỏ, nhưng nhiều người cho rằng đây là giải pháp tạm thời cho những cư dân không đủ khả năng chi trả tiền thuê nhà đắt đỏ.
Theo dữ liệu của công ty bất động sản Centaline, tại Hong Kong, ngay cả những “căn hộ nano” có diện tích gần 20m2 cũng đang được bán với giá 445.000 USD, tương đương hơn 2.000 USD/m2.
Anh Francis Law, người từng được chuyển tới khu cách ly Penny's Bay, cho rằng dù cơ sở vật chất khá thô sơ, nhưng căn phòng vẫn đáp ứng được các nhu cầu cơ bản. Do đó, nếu được chuyển đổi mục đích sử dụng, phòng cách ly sẽ là giải pháp tạm thời thu hút sự quan tâm của rất đông người dân.
“Nếu chính quyền cho thuê các căn hộ với giá từ 254 - 382 USD/tháng, và sắp xếp một tuyến xe buýt đến nhà ga gần nhất, tôi nghĩ sẽ rất nhiều người nộp đơn ngay cả khi nó cách xa trung tâm thương mại chính”, anh Law chia sẻ.