Việc khích lệ các nước đoàn kết vì lợi ích chung của ASEAN đòi hỏi cả khối phải được kết nối bằng một ý thức sâu sắc về bản sắc và lợi ích chung.
Ngày 8/8/2017 đánh dấu 50 năm thành lập của ASEAN. Ra đời trong giai đoạn căng thẳng nhất của Chiến tranh Lạnh vào năm 1967, ASEAN đã phát triển thành một phần chủ chốt trong cấu trúc chính trị của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, sau nửa thế kỷ tồn tại, ASEAN đang đối mặt với nhiều thách thức, mà trong số đó, vấn đề Biển Đông đã trở thành "phong vũ biểu 'đo' tinh thần đoàn kết và sự đáng tin cậy của ASEAN" như Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long từng nhìn nhận.
Vấn đề Biển Đông lâu nay đã đặt ra thách thức lớn cho ASEAN khi 4 trong 10 nước thành viên là các bên tranh chấp và họ muốn dựa vào ASEAN để gây sức ép với Trung Quốc. Tuy nhiên, một số thành viên của khối cho đến nay vẫn chưa thể hiện tinh thần sẵn sàng hy sinh “lợi ích quốc gia” để đổi lấy “lợi ích chung". Cuộc tranh chấp đã thách thức nguyên tắc đồng thuận mà khối theo đuổi khi một số thành viên còn có lợi ích kinh tế và chiến lược phụ thuộc lớn vào Trung Quốc.
Toàn cảnh ngày họp đầu tiên của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 ở Manila, Philippines ngày 5/8. Ảnh: EPA/TTXVN |
Bước tiến lớn nhưng còn nhiều chông gai
Ngày 6/8, ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí về dự thảo khung Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Việc thông qua dự thảo khung Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) đúng dịp ASEAN tròn 50 tuổi được xem là một bước tiến lớn đối với nền hòa bình khu vực.
Việc thông qua Khung COC là bước khởi đầu cho tiến trình đàm phán tiếp theo về xây dựng văn kiện COC. Bước đi này của ASEAN và Trung Quốc ngay lập tức nhận được sự hoan nghênh của các nước ASEAN và đối tác.
Cùng ngày, bài viết “COC có thể giúp giải quyết tranh chấp Biển Đông” của Paul Malone, chuyên phân tích các vấn đề quốc tế, đăng trên tờ The Sydney Morning Herald nhận định, “đây là cơ hội để Trung Quốc và các bên ở Đông Nam Á đạt được giải pháp hòa bình về tranh chấp Biển Đông”.
Mặc dù vậy, thực chất việc thông qua dự thảo Khung COC chỉ là sự khởi đầu tích cực cho tiến trình thương lượng sau này. Sau đó, các bên sẽ bước vào các cuộc đàm phán thương lượng khó khăn để văn kiện này thực chất và hiệu quả, giúp ngăn ngừa các diễn biến phức tạp ở Biển Đông. Việc tìm kiếm sự đồng thuận giữa các nước ASEAN hay giữa ASEAN với Trung Quốc trong việc thúc đẩy văn kiện này có tính ràng buộc về pháp lí, với sự tuân thủ nghiêm túc của các nước liên quan cũng sẽ là một thách thức không nhỏ.
Việc hoàn tất một COC có hiệu lực và ràng buộc về pháp lý là điều mà nhiều quốc gia thành viên ASEAN mong muốn, trong đó có nước chủ tịch ASEAN 2017 là Philipines, với tuyên bố mong muốn đây là một văn kiện COC thực chất, hiệu quả và có ràng buộc về pháp lí, một COC mà tất cả các nước cần phải tuân theo.
Cũng có những lo ngại rằng đây có thể chỉ là động thái hòa hoãn của Bắc Kinh, muốn sự ổn định ngay trước thềm Đại hội Đảng 19 của nước này. Mặt khác, COC nếu không đủ mạnh mẽ sẽ chỉ trở thành tấm bình phong cho việc Bắc Kinh luôn nghĩ họ có thể viết nên một quy tắc để áp đặt các nước nhỏ và dự thảo khung ấy sẽ vô nghĩa nếu không được nối tiếp bằng việc khởi động nhanh chóng quá trình đàm phán nghiêm túc các ràng buộc về nguyên tắc ứng xử.
Đoàn kết chặt chẽ thì Trung Quốc hay nước lớn nào chăng nữa cũng không thể làm gì
Đồng thuận sẽ giúp ASEAN vượt qua các thách thức an ninh khu vực. Đây cũng là một trong những nội dung mà Ngoại trưởng Philippines Peter Cayetano đưa ra trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 (AMM-50) đúng vào dịp ASEAN tròn 50 tuổi.
Đồng thuận là nguyên tắc cốt lõi của ASEAN, cho phép ASEAN khẳng định mình như một thực thể khu vực. Tuy nhiên sự khác biệt lợi ích giữa các thành viên ngày càng xuất hiện nhiều, do đó việc đạt được đồng thuận trong các vấn đề “nóng” ngày càng trở nên khó khăn, đặt ra thách thức với sự đoàn kết của khối. Quá trình ra quyết định dựa trên sự đồng thuận và học thuyết không can thiệp lẫn nhau cũng đặt ra giới hạn về hiệu quả của khối trong việc giải quyết những thách thức chung.
Do hệ quả của nguyên tắc cơ bản trên, ASEAN vẫn luôn mang tiếng là không sẵn sàng hoặc không có khả năng đưa ra một lập trường thống nhất về những vấn đề nội bộ có thể gây chia rẽ ở phạm vi khu vực và toàn cầu. Vấn đề này càng được thể hiện rõ trong việc ASEAN xử lý tranh chấp ở Biển Đông. Trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ, ngày càng hung hăng đẩy mạnh tuyên bố chủ quyền tại vùng biển này, ASEAN đã phải vật lộn với việc xây dựng một lập trường chung. Kết quả là sự rạn nứt ngày càng lớn giữa các nước thành viên có tuyên bố chủ quyền và những nước không có tuyên bố.
Ngay tại AMM-50 thôi, thông cáo chung phát đi ngày 6/8 dù nêu quan ngại về việc thay đổi hiện trạng các thực thể trên Biển Đông, nhưng vẫn chưa “chỉ mặt đặt tên” Bắc Kinh trong vấn đề này.
Việc khích lệ các nước đoàn kết vì lợi ích chung của ASEAN đòi hỏi cả khối phải được kết nối bằng một ý thức sâu sắc về bản sắc và lợi ích chung. Quá trình này đã và đang bị vô hiệu hóa do việc Trung Quốc kiên quyết duy trì quan hệ với từng nước trong ASEAN trên cơ sở song phương.
Đánh giá về những thách thức của ASEAN hiện nay, báo cáo của Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc Tập đoàn The Economist (Anh) nêu rõ: “Trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực ngày càng có những diễn biến phức tạp, khó lường, tạo ra nhiều thách thức xuyên biên giới không dễ đối phó, các nước thành viên ASEAN cần nêu cao tinh thần đoàn kết cũng như trách nhiệm để giải quyết các thách thức”.
Nhân tố trọng yếu “đoàn kết” của ASEAN từng được ông Trần Việt Thái, Viện phó Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao, phân tích khá cụ thể.
Theo ông Thái, từ vị trí địa lý và tầm quan trọng của khu vực Đông Nam Á, các nước lớn luôn coi đây là một trong những khu vực chiến lược của họ. Bởi vậy, việc nước lớn có quan hệ với các nước ASEAN cũng như ảnh hưởng ở đây là điều tất yếu, không thể tránh được và ngoài ý muốn chủ quan của các nước trong khu vực. Tuy nhiên, các nước lớn có ảnh hưởng như thế nào, mức độ ra sao còn phụ thuộc vào tình hình và thời điểm. Các nước vừa và nhỏ tốt nhất là phải liên kết lại với nhau, một bó đũa chắc chắn sẽ mạnh hơn một chiếc đũa.
ASEAN những năm qua đã phát triển được một bộ thể chế để: Một là mời các nước vào đây xử lý bàn bạc về các vấn đề. ASEAN đã phát triển được văn hóa đối thoại trong các lĩnh vực khác nhau rất có lợi cho hòa bình và ổn định. Thà rằng cãi nhau trên bàn đàm phán còn hơn là dùng vũ lực. Đó là thế mạnh của ASEAN.
Hai là, ASEAN cũng đã mở đủ lớn về mặt chính sách và đã phát triển đến một mức độ là không một nước lớn nào có thể bỏ qua khối này được.
Ba là, ASEAN đã khôn khéo biết vận dụng những nguyên tắc, chuẩn mực được quốc tế thừa nhận rộng rãi để xây dựng những cơ chế, quy định mà các nước lớn không thể bác bỏ được. Ví dụ như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC) bắt buộc các bên khi đã ký kết thì không được dùng vũ lực, đó là nguyên tắc.
Từ những phân tích đó, ông Thái tổng kết: Nếu ASEAN biết đoàn kết chặt chẽ thì Trung Quốc hay một nước lớn nào đó đi chăng nữa cũng không thể làm gì được. Thực tế cho thấy, Trung Quốc đã chấp nhận ký vào TAC, tham gia vào cơ chế do ASEAN dẫn dắt, có nghĩa là đã chấp nhận những luật chơi do ASEAN đặt ra. Nếu các nước trong khu vực đoàn kết, hợp tác với nhau thì những luật chơi ấy sẽ được giữ vững.
Sỹ Tuấn - Thùy Vân