Bạn vừa nâng cấp ổ cứng cho máy tính xách tay hoặc máy tính để bàn, nhưng thay vì nhanh chóng quẳng vào ngăn bàn làm việc hoặc bán đi thì tại sao bạn không nghĩ ngay đến việc biến món đồ này thành một chiếc ổ cứng di động để thuận tiện hơn cho nhu cầu lưu trữ dữ liệu cá nhân cũng như sao lưu dữ liệu giữa các hệ thống.
Chuẩn bị
Trước tiên, cần xác định ổ cứng cũ của bạn thuộc chuẩn kích thước nào để mua kiểu hộp gắn ngoài tương ứng. Ổ cứng laptop hiện nay đều thuộc chuẩn 2,5-inch, trong khi ổ cứng dành cho máy tính để bàn hầu hết thuộc chuẩn 3,5-inch lớn hơn.
Ngoài ra cũng cần xác định chuẩn kết nối của ổ cứng, chẳng hạn như thế hệ ổ cứng ra đời khoảng 10 năm trở về trước thì thường sử dụng chuẩn kết nối IDE, còn hầu hết ổ cứng hiện nay đều sử dụng chuẩn kết nối SATA mới.
Một hộp ổ cứng loại dành cho ổ kích thước 2,5-inch. Sau đó, bạn có thể chọn hộp gắn ngoài phù hợp với ổ cứng. Đây là thiết bị có thể biến bất kỳ ổ cứng nào thành một ổ lưu trữ USB gắn ngoài được sử dụng phổ biến rộng rãi và có giá cả phải chăng.
Trên thị trường hiện nay có nhiều mẫu hộp gắn ngoài có sẵn dành cho các loại ổ cứng và đa số chúng đều khá rẻ với giá tầm 200.000-300.000 đồng cho loại kết nối USB 2.0 phổ biến nhất, trong khi một vài loại với kết nối USB 3.0 tốc độ nhanh hơn có giá chỉ khoảng 800.000 đồng. Thậm chí, bạn cũng sẽ tìm thấy một số hộp gắn ngoài sử dụng các loại cổng kết nối khác như eSATA, Thunderbolt , Firewire.
Hộp ổ cứng gắn ngoài là những thiết bị khá đơn giản, có thể làm bằng chất liệu nhựa hoặc kim loại. Chúng được thiết kế để có thể chứa một ổ cứng tiêu chuẩn 2,5-inch hay 3,5-inch, gắn vào một mạch kết nối chuyển đổi giao diện IDE/SATA thành giao diện USB hoặc một giao diện lựa chọn khác của bạn như eSATA/Thunderbolt/Firewire.
Thao tác gắn ổ cứng vào hộp khá dễ dàng bằng cách trượt vào trong. Hộp gắn ngoài không chỉ dành cho ổ cứng truyền thống HDD (hard-disk drive) mà cũng có thể dùng được với ổ thể rắn SSD (solid-state drive). Loại ổ lưu trữ thể rắn này là một “ứng cử viên” hoàn hảo cho giải pháp lưu trữ tốc độ cao. Tuy nhiên, nó có giá đắt hơn rất nhiều so với ổ cứng truyền thống.
Dù giao diện USB 2.0 được tìm thấy trong hầu hết hộp gắn ngoài có thể không khả năng khai thác hết lợi ích hiệu suất của ổ SSD, nhưng một ổ SSD đặt trong hộp gắn ngoài trang bị cổng USB 3.0 vẫn có thể chuyển các tập tin với tốc độ nhanh gấp 3 lần so với chuẩn USB 2.0.
Quá trình lắp ráp
Hầu hết hộp ổ cứng gắn ngoài đều có chứa một bảng mạch nhỏ có chức năng yếu dùng là chuyển đổi giao diện SATA thành USB. Bạn chỉ cần mở nắp hộp, đặt ổ cứng vào bên trong, gắn chắc chắn đầu kết nối SATA của ổ cứng vào bảng mạch trong hộp và cuối cùng là đóng nắp hộp lại.
Một số hộp gắn ngoài có thiết kế để người dùng dễ dàng gắn ổ cứng ngay vào bảng mạch bằng cách chỉ cần trượt nhẹ vào, sau đó dùng bốn ốc vít nhỏ để giữ chặt ổ cứng vào khung hộp. Ngoài ra, một số hộp gắn ngoài còn có một tấm chắn trong suốt mỏng để bảo vệ mặt dưới của ổ cứng không bị tiếp xúc với vỏ hộp nếu làm bằng kim loại.
Gắn một đầu dây cáp USB vào hộp ổ cứng và đầu còn lại vào máy tính để bắt đầu sử dụng. Sau khi đóng nắp hộp ổ cứng lại, tất cả những gì bạn cần làm là dùng dây cáp USB đi kèm với hộp gắn ngoài, kết nối một đầu vào cổng mini USB trên hộp và đầu còn lại vào một cổng USB còn trống trên máy tính.
Một số hộp gắn ngoài sẽ đi kèm loại dây cáp hai đầu USB (dạng chữ Y), một cho dữ liệu và một cho nguồn điện bổ sung để đảm bảo hoạt động đáng tin cậy, trong khi một số hộp chỉ dùng loại dây cáp một đầu cắm USB với máy tính. Ngoài ra, một số hộp ổ cứng gắn ngoài nhất là loại dành cho ổ 3,5-inch thường phải dùng cổng nguồn điện riêng từ adapter đi kèm.
Khi đã hoàn thành các bước lắp ráp, giờ đây bạn có thể sử dụng ổ cứng cũ của mình như một thiết bị USB gắn ngoài để lưu trữ và mang theo dữ liệu cá nhân mọi lúc mọi nơi một cách tiện lợi và hiệu quả.
Theo PLXH