Liệu pháp miễn dịch là dùng thuốc kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể để tấn công ung thư - công trình đoạt giải Nobel Y học năm 2018 đã được triển khai ở Việt Nam khoảng 5 năm trở lại đây. Hàng nghìn bệnh nhân được điều trị và hưởng lợi từ thành tựu này, kết hợp với các phương thức phẫu thuật, xạ trị, hoá trị… chữa khỏi ung thư giai đoạn sớm và kéo dài thời gian sống ở giai đoạn di căn.
Ưu điểm
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Tuấn Anh, Phó Trưởng khoa Điều trị A, Bệnh viện K Trung ương, cho biết liệu pháp điều trị miễn dịch cho bệnh nhân ung thư mang lại nhiều hiệu quả.
Điển hình như trường hợp một bệnh nhân nam 75 tuổi cách đây 5 năm được chẩn đoán ung thư biểu mô tuyến kém biệt hóa của phổi phải giai đoạn II, được phẫu thuật cắt thùy dưới phổi phải, vét hạch và hóa trị bổ trợ 4 chu kỳ. Cách đây 3 năm, bệnh nhân tái phát di căn màng phổi, được điều trị hóa trị kết hợp miễn dịch sau đó duy trì miễn dịch, giữ được tình trạng sức khỏe ổn định đến thời điểm hiện tại.
Theo Tiến sĩ Tuấn Anh, liệu pháp miễn dịch giúp kích hoạt hệ miễn dịch, tấn công các tế bào ung thư. Hiện nay, có 2 nhóm điều trị miễn dịch:
Nhóm thứ nhất, sử dụng các thuốc đích để kích hoạt các tế bào miễn dịch của cơ thể có khả năng chống lại các khối u đó là các thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch, ức chế hoạt động của các thụ thể PDL1/PD1 hoặc CTLA4.
Nhóm thứ hai, lấy các tế bào có chức năng miễn dịch ra khỏi cơ thể bệnh nhân, gắn các thụ thể có khả năng nhận biết tế bào ung thư và nhân lên, hay nói cách khác là “huấn luyện” các tế bào miễn dịch có khả năng “tìm và diệt” tế bào ung thư. Sau đó đưa các tế bào miễn dịch này trở lại cơ thể bệnh nhân.
Điều trị miễn dịch đã cải thiện đáng kể thời gian sống thêm toàn bộ cũng như trì hoãn thời gian bệnh tiến triển nhưng không chữa khỏi triệt để được ung thư giai đoạn muộn.
Nhược điểm của phương pháp điều trị này việc tăng cường hệ thống miễn dịch đã dẫn đến quá mẫn với một loạt các phản ứng đáp ứng viêm hệ thống, được gọi là các biến cố bất lợi liên quan đến miễn dịch (irAE). Tỷ lệ được báo cáo của các biến cố bất lợi này qua các nghiên cứu dao động từ 15% đến 90% tùy loại độc tính, mức độ không giống nhau giữa các thuốc miễn dịch và các bệnh ung thư. Các biến cố bất lợi nặng dẫn đến ngưng điều trị hoặc tử vong thấp. Tiến sĩ Tuấn Anh cho biết hầu hết độc tính ở mức độ nhẹ và có thể kiểm soát được theo dõi chặt chẽ và điều trị thích hợp.
Chi phí điều trị khoảng 500 triệu đồng/năm
Giá thành và chi phí của điều trị miễn dịch là khá cao so với thu nhập nhiều người bệnh. Hiện nay hai liệu pháp ung thư tiên tiến nhất giúp người bệnh mắc ung thư có cơ hội kéo dài sự sống là điều trị đích và miễn dịch. Trong đó, điều trị đích đã được phê duyệt vào danh mục thuốc được Quỹ BHYT chi trả cho các bệnh nhân phù hợp.
Liệu pháp miễn dịch đã được giới thiệu tại Việt Nam được 5 năm, vẫn chưa được xem xét phê duyệt vào danh mục thuốc được BHYT chi trả. Vì vậy, bệnh nhân ung thư không phù hợp với điều trị đích cũng không có cơ hội tiếp cận với các thuốc điều trị miễn dịch mới thông qua BHYT chi trả.
Theo bác sĩ Tuấn Anh, chi phí điều trị liệu pháp miễn dịch này cho bệnh nhân khoảng 500-600 triệu đồng/năm, tùy từng bệnh nhân chỉ định và loại thuốc. Một bệnh nhân có thể phải điều trị 2 năm nên đây là số tiền lớn không phải ai cũng chi trả được.
Trong khi đó, bệnh ung thư gặp ở mọi giới, lứa tuổi, tầng lớp xã hội, mọi khu vực địa lý và mọi ngành nghề khác nhau. Theo số liệu của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), tại Việt Nam năm 2020 ước tính có 182.563 ca mắc mới, 122.690 ca tử vong. Hiện nay, toàn quốc có 353.826 bệnh nhân đang chung sống với ung thư.
Năm loại ung thư phổ biến nhất ở cả hai giới lần lượt là ung thư gan (14,5%), ung thư phổi (14,4%), ung thư vú (11,8%), ung thư dạ dày (9,8%), và ung thư đại trực tràng (9%).
Bác sĩ Tuấn Anh cho rằng để nhiều bệnh nhân được tiếp cận các hãng dược cần giảm giá thành, các cơ quan có thẩm quyền hoạch định chính sách bảo hiểm y tế phù hợp cũng như kêu gọi sự chung tay của xã hội, cộng đồng xây dựng các chương trình hỗ trợ bệnh nhân.