Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang theo dõi một biến thể phụ mới của Omicron. Một số chuyên gia lo ngại rằng chủng này có thể dễ lây truyền hơn các phiên bản Omicron trước đây.
Biến thể mới có tên chính thức là BA.2.75 và biệt danh là Centaurus (Bán Nhân Mã).
BA.2.75 lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ vào đầu tháng 6. Cho đến nay, BA.2.75 đã xuất hiện ở 10 quốc gia, bao gồm Ấn Độ (chiếm đa số), Australia, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Đức, Mỹ, Anh…
Các phân tích về BA.2.75 vẫn còn hạn chế. Nghiên cứu ban đầu chỉ ra, biến thể này có chứa một số đột biến giúp tránh được hệ miễn dịch hiệu quả hơn.
“Biến thể trên có thêm 8 đột biến so với BA.5 cùng các đột biến khác ở đầu tận cùng N có thể khiến khả năng thoát miễn dịch của BA.2.75 tốt hơn”, Tiến sĩ Eric Topol đánh giá.
Tiến sĩ Topol cũng dẫn lời nhà sinh học phân tử Ulrich Elling, cho biết, Mỹ có khả năng phải chuẩn bị cho làn sóng BA.2.75. Đồng thời, ông cũng bày tỏ không "thích những đột biến đã quan sát thấy".
Số lượng đột biến cũng có nguy cơ là nguyên nhân đáng lo ngại khi biến thể phụ có khả năng chống lại miễn dịch có từ nhiễm bệnh trước đó.
“Số lượng 8 đột biến bổ sung trong BA.2.75 là đáng chú ý. Tổng số đột biến ở protein gai của Delta là 8”, Tiến sĩ Elling chia sẻ.
“Ba đột biến có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn (BA.5). Do đó, số đột biến khác biệt giữa BA.5 và BA.2.75 có khả năng tạo ra một làn sóng khác vì khả năng miễn dịch do từng nhiễm BA.5 có thể không còn hiệu quả”.
Mặc dù vậy, nhà khoa học trưởng của WHO, Tiến sĩ Soumya Swaminathan, khuyến cáo cần thêm các nghiên cứu để hiểu đầy đủ về khả năng lây truyền và mức độ nghiêm trọng của virus.
Phát biểu với New Daily, Giáo sư Catherine Bennett, Chủ tịch dịch tễ học của Đại học Deakin, cho biết biến thể phụ mới có thể dẫn đến nhiều ca bệnh hơn, nhưng yếu tố quan trọng hơn là liệu có dẫn đến nhiều ca tử vong hơn.
Tổng giám đốc của WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, thông tin, số ca Covid-19 tăng gần 30% trên toàn cầu trong hai tuần qua.