Một chiều cuối năm hối hả, con đường khúc khuỷu dẫn lối chúng tôi đến xã Tiên Mỹ (huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam). Đập vào mắt chúng tôi là những ngôi nhà tọa lạc trên quả đồi, rợp bóng cây xanh. Những vườn cây trái “khoác tấm áo” in đậm sắc xanh làm nên sự khác biệt ở mảnh đất xứ Tiên.
Đổi đời nhờ vườn
Đang tỉ mẩn chăm sóc vườn măng cụt cuối vụ, lão nông Phạm Ngọc Lương (75 tuổi, thôn Mỹ Thượng Tây, xã Tiên Mỹ) hồ hởi, vườn của ông rộng khoảng 0,3 hecta. Thời điểm nghỉ hưu (năm 2009), ông quyết định phát triển vườn cây ăn trái trên chính mảnh đất gia đình.
“Sau vài tháng tìm hiểu, học hỏi từ những nhà vườn khác trong vùng, tôi đầu tư trồng thử nghiệm cả chục gốc tiêu. Tuy nhiên, chẳng bao lâu tôi nếm quả đắng khi tiêu chết hàng loạt. Không chịu bỏ cuộc, tôi tiếp tục đầu tư vốn và chuyển hướng sang trồng cây thanh long, bòn bon, măng cụt”, ông Lương nhớ lại.
Trải qua nhiều năm chăm sóc, giờ đây, vườn cây của gia đình ông Lương đã đơm hoa, kết trái. Những vụ mùa bội thu đem lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình.
Trong vườn ông Lương có nhiều cây ăn trái như măng cụt, cau
Đến nay, ước tính, mô hình kinh tế vườn với nhiều loại cây kết hợp như bòn bon, mít, măng cụt, chuối, cau… mỗi năm giúp gia đình ông Lương “bỏ túi” khoảng 150 triệu đồng. Nhờ vậy, lão nông ở xứ Tiên này có điều kiện sửa sang nhà cửa, lo cho con cái ăn học thành tài.
Vườn gia đình ông Lương hiện rộng khoảng 0,3 hecta
“Để thu được thành quả của ngày hôm nay, tôi đã phải đối mặt với không ít khó khăn. Khó khăn nhất của việc vun trồng những loại cây ăn trái này là thời gian chăm sóc. Ví như sầu riêng, măng cụt phải đầu tư khoảng 6 năm mới có trái. Và đến năm thứ 15, trái bắt đầu sum suê.
Đến nay, mỗi năm gia đình thu được gần 2 tấn bòn bon, mít
Ngoài ra, mưa bão cũng là tác nhân khiến cây cối phải oằn mình chống chọi, như năm 2020, nhiều cây măng cụt đổ ngã do bão lớn”, ông Lương nói.
Cách hộ ông Lương chừng 2 cây số, ngôi nhà của ông Ngô Minh Hòa (60 tuổi, thôn Trà Lai, xã Tiên Mỹ) cũng được bao phủ bởi tràn ngập sắc xanh của cây trái. Chúng tôi bị cuốn hút bởi hai bên đường dẫn lối vào nhà ông Hòa được lát đá, cổng được tạo thành từ những vòm cây đan vào nhau.
Để có được cảnh vật đậm chất quê mộc mạc ấy là cả một quá trình cải tạo và xây dựng.
Theo ông Hòa, bắt đầu từ năm 1990, từ lời khuyên của người quen, ông mạnh tay chi tiền để mua giống quế về trồng. Song, tới thời điểm thu hoạch, ông chưng hửng khi giá thấp, cộng với thiệt hại của những cơn bão khiến gia đình thua lỗ nặng.
Đến năm 2009, ông chuyển sang trồng cây ăn quả với mục đích cải thiện bữa ăn cho gia đình. Năm 2012, tiếp nhận Nghị quyết HĐND huyện về việc hỗ trợ người dân phát triển kinh tế vườn, ông mới “nghĩ làm lớn”. Từ đây, ông bắt tay vào đầu tư vườn tược có kế hoạch, định hướng.
“Khởi điểm, tôi trồng những cây như măng cụt, sầu riêng, mít, bòn bon, cau… Những loại cây này phù hợp với thổ nhưỡng xứ Tiên. Quả thật, cây nào cây nấy phát triển tốt, sản phẩm chất lượng, được người dùng ưa chuộng”, ông Hòa tâm sự.
Tiếp đà thành công, ông tìm tòi, học hỏi kỹ thuật trồng các loại cây ăn quả, áp dụng vào vườn nhà. Từ đó, sản lượng được đẩy mạnh, kinh tế gia đình được nâng cao.
Đến hiện tại, riêng măng cụt, gia đình ông có doanh thu khoảng 80 triệu đồng. Bên cạnh đó, sầu riêng 20 triệu đồng, bòn bon 10 triệu đồng và những cây còn lại như cau, chuối, thơm, mít 30 triệu đồng.
Ông tiếp lời: “So với mặt bằng nông thôn, đây là tín hiệu quá mừng, 1 hecta vườn nhà để sản xuất ra như vậy không phải dễ. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục học hỏi các kỹ thuật nâng cao, giúp cây sinh trưởng tốt, bền vững và hy vọng thu về sản lượng nhiều hơn”.
Mỗi hecta đất, nông dân thu được hơn 172 triệu đồng
Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước Nguyễn Hùng Anh đánh giá, Tiên Mỹ là một trong những xã đi đầu trong chính sách phát triển kinh tế vườn trên địa bàn huyện.
“Không riêng Tiên Mỹ, các xã còn lại của huyện đã triển khai đồng bộ việc phát triển kinh tế vườn. Đây là quá trình dài được UBND huyện đặc biệt chú trọng. Tính đến cuối năm 2023, tổng diện tích vườn đạt được 6.626 hecta, tăng 1.380 hecta so với năm 2021”, ông Anh nói và cho hay, việc phát triển kinh tế vườn đã mang lại nhiều giá trị kinh tế đối với người dân xứ Tiên.
Riêng năm 2023, với mỗi hecta đất, nông dân tại đây thu được 172,41 triệu đồng.
Cùng với đó, diện tích vườn được cải tạo, đầu tư, thâm canh nâng cao năng suất, sản lượng, hiệu quả kinh tế đạt hơn 5.000 hecta vườn hiện có, tăng 9% so với đầu năm 2020. Huyện Tiên Phước đã giành được 13 giải thưởng trong cuộc thi Vườn đẹp cấp tỉnh.
Hơn 10 năm thực hiện chính sách kinh tế vườn đã giúp người dân địa phương ăn nên làm ra…
“Chúng tôi xác định phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái, xây dựng bản sắc văn hóa thuần Việt là yếu tố nòng cốt trong phát triển kinh tế.
Thời gian qua, huyện đã đẩy mạnh xây dựng các mô hình kinh tế vườn, kinh tế trang trại; bảo tồn, phát huy giá trị không gian văn hóa đá, văn hóa nhà - vườn; bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa làng truyền thống...”, ông Anh chia sẻ.
Cùng với đó, một điều được người dân chú trọng là việc tiếp cận thị trường. Hiện nay, toàn huyện có 31 sản phẩm OCOP (7 sản phẩm 4 sao, 24 sản phẩm 3 sao) được phát triển từ sản phẩm của kinh tế vườn, kinh tế trang trại.
Các sản phẩm đặc trưng của huyện được tiêu thụ qua các kênh: Hệ thống siêu thị, sàn thương mại điện tử... bán hàng trực tuyến qua Facebook, TikTok… Từ đó, đã đa dạng hóa kênh tiêu thụ nông sản, góp phần ổn định đầu ra và nâng cao hiệu quả sản xuất cho người nông dân.