Khi cuộc hôn nhân của cha mẹ tan vỡ, những người con chắc chắn sẽ chịu đả kích rất lớn nhưng không phải đứa trẻ nào cũng có phản ứng giống nhau. Có trẻ sẽ khóc lóc làm loạn nhưng có trẻ lại hiểu chuyện đến mức đau lòng. Câu chuyện về cậu bé Hanghang dưới đây chính là một ví dụ.
Hanghang (5 tuổi) đến từ Trung Quốc. Cậu bé và mẹ đã có một cuộc nói chuyện qua điện thoại khiến ai nấy nghe xong cũng nghẹn lòng thương xót.
"Mẹ, mẹ đang làm gì vậy?", Hanghang lễ phép chào mẹ bằng một giọng dịu dàng. Khi biết mẹ đang có em bé, cậu bé ấm áp nhắc rằng: "Mẹ à, mẹ đang có em bé trong bụng nên không cần phải đến gặp con đâu. Mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe, chăm sóc cho em bé và đừng để em khó chịu nhé. Con sẽ nghe lời bố, không sao đâu".
Cậu bé ngoan ngoãn không rơi một giọt nước mắt, cũng không mè nheo nấy nửa lời. Miệng nói là vậy nhưng ai cũng có thể nhận ra rằng em đang rất nhớ mẹ, khao khát được mẹ đến thăm và được nhào vào lòng mẹ. Nhiều người sau khi nghe xong đều không cầm được nước mắt, họ cảm thấy "trái tim đang bị bóp nghẹn" trước những lời nói của cậu bé chỉ mới 5 tuổi.
Bố của Hanghang sau đó đã lên tiếng, anh cho biết vợ chồng đã đường ai nấy đi từ lâu nhưng cả hai vẫn thay nhau quan tâm chăm sóc con. Chính bố đã tiết lộ cho cậu bé rằng mẹ đang mang thai và dặn dò con nên gọi điện hỏi thăm sức khỏe của mẹ. Thế nhưng chính anh cũng không ngờ cậu bé lại có thể hiểu chuyện đến vậy.
"Nuôi con trở thành đứa trẻ có trái tim ấm áp" - Điều sẽ không bao giờ khiến cha mẹ phải hối hận
Mỗi đứa trẻ được sinh ra mang theo bao yêu thương và hy vọng của cha mẹ. Nhưng chính vì được nhận những yêu thương chăm sóc vô điều kiện ấy, nên đôi khi có nhiều trẻ coi đó là đương nhiên và không cần đáp trả. Vì vậy, ngay từ nhỏ, việc dạy cho con biết yêu thương quan tâm chia sẻ là việc rất quan trọng. Từ đó, lớn lên con sẽ trở thành một người có trái tim ấm áp.
Luôn để trẻ cảm thấy được yêu thương
Cha mẹ hãy quan tâm đến suy nghĩ, tình cảm, lắng nghe ý kiến, tâm sự của chúng, không để trẻ có cảm giác bị bỏ rơi, hướng dẫn giải pháp hiệu quả cho trẻ khi trẻ gặp phải vấn đề nào đó, để ý đến những sở thích của trẻ,… khi trẻ cảm nhận được tình yêu thương và hạnh phúc với sự yêu thương, quan tâm của người khác thì trẻ sẽ hình thành được tính cách biết yêu thương bố mẹ và những người đã yêu thương chúng.
Hãy là tấm gương cho con noi theo
Đối với con trẻ, những hành động, thói quen hàng ngày của cha, mẹ sẽ ảnh hưởng đến thói quen, hành động của chúng sau này. Vì vậy để giáo dục cho con trẻ về tình yêu thương thì trước hết chính bản thân người cha, người mẹ cũng phải là người có tâm lòng nhân ái.
Nếu trong gia đình, người cha có bản tính hung dữ thì đứa trẻ rất dễ nhiễm tính cách này từ phía cha nó. Vì thế để giúp trẻ tạo dựng lòng nhân ái, cha mẹ cũng nên thể hiện tính cách này trước mặt con trẻ.
Cho trẻ thấy sự thương cảm của bạn đối với những người kém may mắn
Nếu bạn muốn giúp đỡ những người lang thang bằng vài nghìn lẻ, hãy vuốt cẩn thận chúng trước khi đưa cho họ. Chỉ một hành động nhỏ đó nhưng con của bạn sẽ học được cách biết đồng cảm đối với những người kém may nắm, rèn cho trẻ cách để mở lòng đối với mọi người.
Phân công công việc nhà cho trẻ
Những việc làm giúp đỡ gia đình trong cuộc sống hằng ngày phù hợp với trẻ như: phụ mẹ quét nhà, dọn dẹp đồ chơi, rửa bát, mua đồ dùng tạp hóa… Tập cho trẻ biết phụ giúp gia đình từ những công việc thường ngày, trẻ nhỏ làm việc nhỏ phù hợp với khả năng và tính cách.
Đừng quá nuông chiều bé sẽ khiến chúng ỷ lại vào cha mẹ và những người xung quanh. Bạn nên giao việc cho trẻ một cách khéo léo và hướng dẫn làm từng chút một, có như vậy bé mới cảm thấy đó là một công việc ý nghĩa và hoàn thành thật tốt. Chỉ khi đứng vào vị trí của cha hoặc mẹ làm những công việc như thế, trẻ mới có thể cảm nhận phần nào tình yêu thương qua sự vất vả hằng ngày của bạn mà có thái độ quan tâm đúng mực.
Theo Gia đình & Xã hội