Phân lô, bán nền bát nháo, đầu cơ hết đất diễn
Đây là nhận định của ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch BHS Group đưa ra tại diễn đàn “Bất động sản 2022: Những vùng đất tiềm năng”. Đánh giá về thị trường BĐS hiện nay, ông Tuyển cho rằng đan xen cả dấu hiệu tích cực và tiêu cực. Trong đó, kinh tế vĩ mô tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm, lượng vốn FDI tăng cao. Vốn đầu tư nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2022 bằng năm 2021. Ngoài ra, dịch bệnh đã được khống chế, khả năng tiếp cận, tham gia thị trường bất động sản dễ dàng hơn. Một yếu tố tích cực thấy rõ là thị trường du lịch trở lại…
Tuy nhiên, mặt bằng giá BĐS tăng khá nhanh như ở Hà Nội có những dự án đất nền phía Tây đang từ 30 - 35 triệu đồng lên đến trên 100 triệu đồng/m2.
Cùng với đó phải kể đến vấn đề kiểm soát tín dụng. “Chúng tôi từng triển khai các dự án đã ký hợp đồng mua bán nhưng ngân hàng dừng giải ngân do hết room tín dụng. Đây là điều đang ảnh hưởng trực tiếp đến thanh khoản của thị trường và khả năng chi trả của nhà đầu tư” – ông Tuyển nói.
Cũng theo ông Tuyển, lạm phát là bóng ma rất lớn đối với nền kinh tế nói chung và thị trường BĐS nói riêng.
Nhìn nhận từ thực tế hiện nay có thể thấy, nguồn cung thị trường BĐS đang rất khan hiếm do yếu tố pháp lý. Trong khi đó, nguồn cầu thực rất cao. Sau 2 năm tăng nóng, giá BĐS tăng cao, người mua nhà khó có cơ hội, họ đợi cơ hội giá giảm để mua, nhưng điều đó ko xảy ra khiến nhu cầu đó bị nén lại và ngày càng tăng cao.
Bên cạnh đó, nhu cầu đầu tư bị bão hoà, đầu cơ lướt sóng không còn, nhà đầu tư khó tìm thấy thị tường tiềm năng đặc biệt là trong bối cảnh tín dụng siết chặt.
Từ thực tế trên, dự báo về BĐS trong thời gian tới ông Tuyển cho rằng, thị trường bất động sản phòng thủ sẽ lên ngôi. Bất động sản phòng thủ là các bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực như chung cư ở thành phố lớn, nhà xã hội, các bất động sản ở khu công nghiệp.
“BĐS đầu cơ giai đoạn tới gần như hết đất diễn vì hiện pháp lý cũng siết chặt và dòng tiền không còn dễ dãi nữa. Trong hai năm qua, chứng kiến nhiều dòng bất động sản đầu cơ như mua đất rừng sản xuất, phân lô bán, bất động sản đang có sổ ở những khu không tiềm năng nhưng bằng cách này cách khác vẫn có giao dịch và giá tăng gấp đôi, gấp ba. Bất động sản triệu đô sẽ ‘nghỉ ngơi’ thêm một thời gian nữa”- ông Tuyển nhận định.
Vị này lấy dẫn chứng, cách đây khoảng 6 tháng, có thể chứng kiến các biệt thự biển 30 tỷ, 50 tỷ hay 70 tỷ đồng vẫn có thể giao dịch được. Đặc biệt, tại thị trường Hà Nội, Sài Gòn có biệt thự lên đến hàng trăm tỷ đồng một căn; tăng từ 30-40 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng chỉ trong vài tháng. Thì đến bây giờ sẽ bị chậm lại, không có chuyện tăng giá như vậy, nhà đầu tư sẽ không dễ xuống tiền, thanh khoản sẽ chậm lại.
Theo vị chuyên gia, những nhóm thị trường tiềm năng, bền vững, các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM luôn luôn là ‘phễu’ để đón các nguồn vốn đầu tư và là điểm sáng khi bối cảnh thị trường đang lộn xộn và luôn là thị trường bền vững.
Những thủ phủ công nghiệp như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Thái Nguyên, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… nhu cầu bất động sản công nghiệp rất lớn nên việc di dân cơ học đến các tỉnh này rất cao; qua đó nhu cầu về nhà ở tại các tỉnh có khu công nghiệp cũng tăng cao.
Những thủ phủ du lịch, nghỉ dưỡng như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Thuận, Đà Lạt, Quy Nhơn, Bà Rịa Vũng Tàu, Phú Quốc... thời gian tới sẽ có sự đón nhận về nguồn vốn tốt hơn các tỉnh khác, thị trường bất động sản sẽ tốt hơn.
Trong khi đó, đánh giá về phân khúc căn hộ, bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho biết, căn hộ cao cấp hoàn toàn áp đảo.
Tại Hà Nội, căn hộ trung cấp những năm qua luôn chiếm tỷ trọng cao, từ 65 – 70% tổng nguồn cung thị trường. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, nguồn cung cao cấp ngày càng tăng, hiện đã chiếm khoảng 60% tổng nguồn cung.
Tại TP.HCM, tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn khi căn hộ cao cấp thường xuyên chiếm 85 -90% tổng nguồn cung thị trường.
Ở chiều ngược lại, sự xuất hiện của căn hộ bình dân ngày càng thưa thớt. Tại Hà Nội năm nay không còn căn hộ bình dân. Còn tại TPHCM, căn hộ bình dân đã biến mất trong 3 năm trở lại đây và CBRE dự báo trong 3 năm tới cũng không xuất hiện trở lại.
Về vị trí dự án mới, tại Hà Nội, các dự án trước đây tập trung ở phía Tây thành phố. Tuy nhiên, từ năm 2022, nguồn cung bắt đầu dịch chuyển về phía đông thành phố, với khoảng 63% từ đầu năm 2022 đến nay. Tại TP.HCM, 83% nguồn cung bất động sản vẫn tập trung tại khu vực sôi động nhất là TP Thủ Đức.
Dự báo về thị trường căn hộ, đại diện CBRE cho rằng, sau 3 năm khan hiếm, nguồn cung sản phẩm vào cả Hà Nội và TP.HCM đều sẽ rất dồi dào.
“Từ nay đến năm 2025, các chủ đầu tư sẽ tung ra thị trường những dự án mới mà họ đã chào bán. Giá sẽ tiếp tục tăng nhưng không quá cao. Chẳng hạn, giá trung bình căn hộ ở TP.HCM hiện là 58 triệu đồng/m2 nhưng đến năm 2024 chỉ khoảng 62 triệu/m2, tương ứng mức tăng trưởng 4%. Tại Hà Nội, mức tăng có thể cao hơn, khoảng 8%” – bà Dung nhận định.
Cơ hội “bắt đáy”
Một trong những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm hiện nay là việc kiểm soát tín dụng. Trao đổi về vấn đề này, theo T.S Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, năm nay, nhu cầu tín dụng sẽ tăng cao, lý do chính là bởi kinh tế phục hồi tương đối tốt. Dòng tiền trước đây đổ vào bất động sản, chứng khoán nhiều, nay đã quay trở lại lĩnh vực sản xuất nhiều hơn, và đây là một điều tích cực.
Trái phiếu doanh nghiệp bị kiểm soát tương đối chặt chẽ sau một vài vụ việc gần đây, nên một phần vốn dồn sang phần tín dụng ngân hàng, bằng chứng là mức tăng hơn 9,3% nửa đầu năm nay – là mức tăng nóng.
Ngân hàng Nhà nước sẽ phải chú ý đến vấn đề lạm phát khi cung tiền từ nhiều kênh sẽ gia tăng trong thời gian tới, và vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng khi tăng trưởng tiền gửi dưới 5% mà tín dụng tăng hơn 9%.
Nhiều chuyên gia BĐS cho rằng, hiện tại thị trường BĐS đang trong giai đoạn thanh lọc rất mạnh để chọn ra những chủ đầu tư tiềm lực và chọn những sản phẩm tiềm năng, những địa phương có lợi thế bền vững. Đối với những nhà đầu tư tham gia vào thị trường BĐS lúc này sẽ cần phải am hiểu hơn, có tiềm lực tài chính hơn và mất nhiều thời gian hơn để nghiên cứu để có có những lựa chọn chính xác.
ông Nguyễn Đức Quân – lãnh đạo một doanh nghiệp nhận định, bên cạnh những khó khăn, đây cũng là lúc xuất hiện cơ hội “bắt đáy” thị trường BĐS.
Theo ông Quân, giai đoạn này, chỉ những chủ đầu tư có dòng tiền mạnh, hạ tầng tốt mới chiếm được niềm tin của nhà đầu tư. Bởi khi tín dụng bị siết, nhà đầu tư sẽ có tâm lý chi “tiền tươi thóc thật” nhiều hơn sử dụng các đòn bẩy tài chính, do đó sẽ chọn lọc rất kỹ các dự án để đổ tiền.
“Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các nhà đầu tư sở hữu được các BĐS với mức giá hợp lý do thị trường có khả năng sẽ điều chỉnh nhịp tăng giá, kèm theo đó là hàng loạt chính sách ưu đãi của chủ đầu tư để kích cầu thị trường BĐS trong giai đoạn “giảm nhiệt”. Nói cách khác, nếu thị trường tốt thì thời kỳ lướt sóng nhiều hơn nhưng giá bị đẩy cao hơn” – ông Quân nêu ý kiến.