“Tôi đã rất bực bội, thất vọng và hơi sợ hãi vì đột nhiên tôi không biết phải làm gì,” Annalice Ni, 22 tuổi, nói về thất bại bất ngờ trong đời.
Sau khi tốt nghiệp ngành khoa học máy tính tại ĐH Washington năm nay, Ni chuyển đến Thung lũng Silicon để bắt đầu công việc mơ ước là kỹ sư phần mềm tại Meta, công ty mẹ của Facebook. Tháng 11 vừa qua, Meta đã thải hơn 11.000 nhân viên, bao gồm cả Ni.
Câu chuyện không phải của riêng cá nhân Ni. Trong thập kỷ qua, mơ ước về mức lương khởi điểm 6 con số, các đặc quyền như đồ ăn miễn phí và cơ hội làm việc trên các ứng dụng được hàng tỷ người sử dụng đã khiến giới trẻ lao vào khoa học máy tính, nghiên cứu về lập trình và các thuật toán tại các trường ĐH trên toàn nước Mỹ.
Theo Hiệp hội nghiên cứu máy tính - tổ chức theo dõi việc cấp bằng tại khoảng 200 trường đại học của Mỹ, số lượng sinh viên đại học chuyên ngành này đã tăng gấp 3 lần (gần 136.000 sinh viên) từ năm 2011 đến năm 2021.
Những gã khổng lồ công nghệ như Facebook, Google và Microsoft đã tạo nên sự bùng nổ về ngành khoa học máy tính, vẽ lên một con đường dẫn đến tương lai với sự nghiệp nhiều đặc quyền "béo bở" và tham vọng nắm quyền lực thay đổi thế giới.
Việc cắt giảm không chỉ khiến người mới tốt nghiệp ĐH phải tranh giành "ghế" ở lại mà còn gây hoang mang cho cả sinh viên khi cơ hội thực tập mùa hè - tấm vé thông hành đến vị trí chính thức tại các Big Tech - đang bị thu hẹp.
Ví dụ, Amazon đã tuyển khoảng 18.000 thực tập sinh trong năm nay. Tuy nhiên, công ty đang xem xét giảm hơn một nửa số lượng thực tập sinh cho năm 2023.
Vẫn hy vọng 'tech' nhưng ít 'big' hơn
Từ năm 2021-2031, số lượng việc làm tại các công ty phát triển phần mềm dự kiến sẽ tăng 25%, lên tới hơn 411.000 việc làm mới, theo dự đoán của Cục Thống kê lao động Mỹ.
Thực tế vẫn có những công việc tốt cho ngành khoa học máy tính, một số sinh viên đang nộp đơn vào các công ty công nghệ ít danh tiếng hơn.
“Sinh viên vẫn nhận được nhiều lời mời làm việc, có thể không đến từ Meta, Twitter hay Amazon mà sẽ đến từ những nơi như G.M., Toyota hay Lockheed", Brent Winkelman, trưởng phòng khoa học máy tính tại ĐH Texas ở Austin, cho biết.
Roblox - nền tảng trò chơi phổ biến - một công ty nhỏ hơn cho biết họ có kế hoạch tuyển dụng 300 thực tập sinh cho mùa hè tới - gần gấp đôi so với năm nay. Dự kiến sẽ có hơn 50.000 đơn đăng ký cho những vị trí này.
Helen Dong, 21 tuổi là sinh viên năm cuối chuyên ngành khoa học máy tính tại ĐH Carnegie Mellon, đã thực tập ở Meta hai lần vào năm 2021 và 2022. Cô rất ngạc nhiên vào cuối mùa hè khi không nhận được lời mời làm việc từ Big Tech này.
Việc Meta sa thải nhân viên gần đây đã thôi thúc Dong nộp đơn xin việc tại các công ty tài chính và ô tô. Tuy vậy, ngay cả những công ty công nghệ nhỏ hơn, cơ hội việc làm vẫn có thể bị thu hẹp.
Tony Shi, 23 tuổi, học chuyên ngành khoa học máy tính và kinh doanh tại ĐH Western ở London, Ontario, được tuyển dụng làm giám đốc sản phẩm tại công ty Lyft vào tháng 8 vừa qua. Tháng 11, công ty sa thải khoảng 650 nhân viên, trong đó có Shi.
Shi đến từ Canada và theo thị thực, anh có 60 ngày để tìm công việc mới. “Tôi cần bớt mạo hiểm hơn một chút. Tôi chắc chắn không muốn bị sa thải thêm một lần nữa”, Shi nói.
Những người khác đang tìm kiếm các công việc công nghệ bên ngoài ngành ở các nhà bán lẻ như Walmart hoặc với các cơ quan chính phủ và tổ chức phi lợi nhuận. Ngoài ra, đi học tiếp để lấy bằng thạc sĩ cũng là một lựa chọn.
Bảo Huy
Kỹ sư Việt ở loạt 'Big Tech' Mỹ: Kinh nghiệm thực chiến quan trọng hơn GPA
Từng là cái tên gây ấn tượng bởi những thành tích học tập “khủng” tại lớp chuyên Tin, Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), Chân Lê sau đó đã trở thành kỹ sư phần mềm tại các công ty công nghệ lớn như Microsoft, Google, Asana, Facebook, Snap,…