Các kỹ sư và nhà đầu tư công nghệ tại Thâm Quyến lo ngại, những chuỗi ngày tăng trưởng “phi mã” của ngành công nghiệp công nghệ Trung Quốc chỉ còn là dĩ vãng.
Minh chứng rõ nhất cho quan ngại trên là việc cổ phiếu của ba "ông lớn" Internet Trung Quốc đã giảm đi đáng kể trong vòng 1 năm. Trong đó, cổ phiếu của Tencent giảm 41%, Alibaba giảm 59% và 37% đối với Baidu.
Đứng trước thách thức phức tạp của một cuộc trấn áp, các lệnh phong tỏa do Covid-19 trong nước và lệnh trừng phạt thương mại từ nước ngoài, nhiều doanh nhân trong ngành dường như tỏ ra “ngoan ngoãn” hơn trước quy định từ chính phủ nước này.
Các giám đốc điều hành công nghệ ngừng đăng bài đăng trên mạng xã hội và ẩn bình luận trước đó của họ bao gồm Zhang Yiming, người sáng lập ByteDance, công ty sở hữu TikTok; Jean Liu, Chủ tịch tập đoàn gọi xe khổng lồ Didi Chuxing của Trung Quốc và Wang Xing, người sáng lập ứng dụng giao đồ ăn nổi tiếng Meituan.
Thậm chí, người sáng lập Alibaba, Jack Ma, im ắng đến mức có tin đồn rằng ông có thể đã bị giam giữ.
“Sự khả quan mà tôi nhận thấy bây giờ là Việt Nam, Indonesia, Singapore. Sự năng động của Trung Quốc dường như đã dịch chuyển sang đây”, theo Duncan Clark, người sáng lập công ty tư vấn BDA khu vực Bắc Kinh, Trung Quốc.
Khoảng một thập kỷ trước, lĩnh vực Internet của Trung Quốc rất mạnh về kinh tế khi từng được các nhà đầu tư nước ngoài “chen lấn” để có được một phần của sự bùng nổ di động tại đây.
Các công ty khởi nghiệp “đốt” hàng tỷ USD, khi người tiêu dùng Trung Quốc thích đi xe tiện lợi và rẻ, giao đồ ăn và nhiều ứng dụng khác được trợ cấp nhiều từ vốn đầu tư mạo hiểm.
Gần đây, hàng loạt thông tin cắt giảm nhân sự tại một số công ty Internet lớn của Trung Quốc đã trở thành xu hướng trên mạng xã hội và tâm điểm của các báo cáo truyền thông địa phương.
Các cuộc thảo luận lan rộng đến mức Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc đã bất ngờ bình luận công khai về xu hướng tuyển dụng của các công ty. Họ đã gặp Tencent, Alibaba, Baidu cùng những tập đoàn khác và xác định rằng, nhìn chung các doanh nghiệp vẫn tuyển dụng nhiều người hơn số nhân viên bị sa thải kể từ mùa hè năm ngoái.
Chủ tịch Tencent Martin Lau cho biết công ty sẽ tinh giản các mảng kinh doanh không chủ chốt và nhận định tăng trưởng của ngành trở nên “mờ nhạt và không lành mạnh”. Thời gian qua, những người trong ngành quá chú trọng đến tiếp thị, mở rộng, tăng trưởng ngắn hạn và lợi ích của công ty, bỏ qua các yếu tố quan trọng nhất của tăng trưởng bền vững.
Tại Thâm Quyến, chính quyền địa phương sẽ thanh toán 10% hóa đơn tiền điện của các công ty trong tháng này như một cách giảm nhẹ “nỗi đau”.
Trong một cuộc khảo sát với 97 công ty do Hiệp hội đầu tư mạo hiểm Thâm Quyến thực hiện vào tháng 3, 93% số người được hỏi cho biết họ đang phải chịu những ảnh hưởng kinh tế của đại dịch. Cùng với đó, một số nhà máy báo cáo thiệt hại hàng trăm nghìn USD do bị buộc ngừng sản xuất.
Thời điểm khiến các nhà đầu tư lo lắng bắt đầu từ tháng 11/2020, khi chi nhánh thanh toán di động Ant Group của Alibaba chứng kiến việc niêm yết công khai của họ bị cơ quan quản lý đột ngột hủy bỏ.
Sự kiện này khiến nhiều nhà điều hành sửng sốt khi Bắc Kinh chọn từ bỏ một đợt IPO bom tấn được cho là lớn nhất trong lịch sử. Đó có thể là hệ quả từ việc lĩnh vực tài chính trực tuyến mở rộng quá mức mà không có quy định.
Bên cạnh đó, mối quan hệ rạn nứt với phương Tây cũng đè nặng lên ngành công nghệ. Các lệnh trừng phạt của Mỹ tiếp tục ngăn chặn hoạt động nghiên cứu và phát triển của Huawei, trong khi môi trường chính trị căng thẳng cản trở doanh số bán hàng của nhiều công ty Trung Quốc tại thị trường quốc tế.
Đồng thời, đại dịch Covid-19 đã tăng thêm thách thức khi chu trình sản xuất của nhiều nhà máy bị đình chỉ trong nhiều tuần trên toàn quốc và công nhân buộc phải ở trong nhà.
Richard Yu, người đứng đầu mảng tiêu dùng và kinh doanh ô tô của Huawei, đã cảnh báo trong một bài đăng trên mạng xã hội vào tháng trước rằng sẽ có khả năng ảnh hưởng lớn dọc theo chuỗi cung ứng nếu hoạt động sản xuất ở Thượng Hải vẫn bị đình chỉ cho đến hết tháng 5.
Vào cuối tháng 4, Cục Thống kê Thâm Quyến báo cáo rằng doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng đã giảm 1,6% trong thành phố, lượng xuất nhập khẩu giảm 2,8%.
Một số nhà quan sát, bao gồm Joerg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh dường như đang nới lỏng các quy định trấn áp đối với ngành công nghệ vì những thách thức kinh tế của đất nước.
Thái Hoàng (Theo TWP)