Trong số các lãnh đạo nổi tiếng nhất đã đến Trung Quốc trong thời gian qua có Bill Gates. Ông đến nước này hôm 16/6. Đây là chuyến đi lần đầu tiên của ông trong 4 năm. Tại đây, ông đã có cuộc hội kiến với Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trên blog, ông chia sẻ hai bên đã thảo luận về tầm quan trọng của việc xử lý những thách thức phát triển và y tế toàn cầu như bất bình đẳng y tế, biến đổi khí hậu, cũng như vai trò của Trung Quốc.
Chuyến đi của Gates diễn ra vài ngày trước chuyến thăm được mong đợi của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhằm giúp quan hệ song phương trở lại đúng hướng. Năm 2023 đánh dấu 30 năm Microsoft hoạt động tại Trung Quốc. Dù Gates không còn tham gia điều hành, ông vẫn tiếp tục nỗ lực giảm thiểu tác động của căng thẳng Mỹ - Trung đến việc kinh doanh.
Trước đó, Elon Musk – CEO hãng xe điện Tesla – có chuyến công tác Trung Quốc đầu tiên trong ba năm vào cuối tháng 5. Khoảng 40% xe Tesla được sản xuất tại nhà máy Thượng Hải. Trao đổi với Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương, Musk cho biết Tesla phản đối việc chia tách và cắt đứt chuỗi cung ứng, sẵn sàng mở rộng kinh doanh tại nền kinh tế thứ hai thế giới.
Gates và Musk đến Bắc Kinh ngay khi nước này dỡ bỏ lệnh hạn chế Covid-19 vào tháng 1. Theo Bộ Thương mại Mỹ, thương mại Mỹ - Trung tăng khoảng 5% năm 2022 lên gần 690 tỷ USD, lập kỷ lục trong vòng 4 năm. Dù chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden áp đặt nhiều lệnh cấm vận với Trung Quốc về bán dẫn và công nghệ hiện đại, các doanh nghiệp vẫn không ngừng tìm kiếm cơ hội mới tại quốc gia tỷ dân trong các lĩnh vực khác.
Trong chuyến thăm Thượng Hải hồi tháng 5, CEO JPMorgan Chase Jamie Dimon ám chỉ ngân hàng không có kế hoạch rời bỏ Trung Quốc. “Khi kinh doanh tại một nước, chúng ta sẽ trải qua cả thuận lợi lẫn khó khăn”, ông chia sẻ.
Năm 2021, JPMorgan được cấp phép trở thành tổ chức tài chính nước ngoài đầu tiên sở hữu hoàn toàn một công ty chứng khoán tại Trung Quốc. Bất chấp bất ổn ngày một lớn ở đây, hoa hồng môi giới vẫn là một điểm cộng lớn.
CEO Apple Tim Cook, CEO Qualcomm Cristiano Amon và CEO Intel Pat Gelsinger đều đã ghé thăm Trung Quốc trong vài tháng qua. Theo Nikkei, chính phủ Trung Quốc “trải thảm đỏ” đối với các lãnh đạo doanh nghiệp, sắp xếp những cuộc họp với quan chức hàng đầu. Khi kinh tế đang vật lộn phục hồi hậu Covid, ông Tập Cận Bình xem đầu tư và công nghệ nước ngoài là chìa khóa để bảo đảm tăng trưởng kinh tế ổn định và chống lại nỗ lực cắt đứt chuỗi cung ứng của Mỹ.
Danh sách các CEO ngoại đến Trung Quốc còn có Peter Wennink, CEO nhà sản xuất thiết bị bán dẫn ASML và Jean-Marc Chery, CEO hãng bán dẫn STMicroelectronics. Ngày 7/6, STMicroelectronics công bố kế hoạch liên doanh xây dựng nhà máy với đối tác địa phương tại Trùng Khánh.
Vào tháng 4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có chuyến công du Trung Quốc cùng phái đoàn lãnh đạo doanh nghiệp, bao gồm Giám đốc Airbus. Nhà sản xuất máy bay nhất trí với nhà chức trách địa phương xây dựng dây chuyền lắp ráp mới tại Thiên Tân và nhận được giấy phép cung cấp 160 máy bay.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đến thăm Trung Quốc cùng các doanh nghiệp mùa thu năm 2022. Trung Quốc đáp lễ bằng phái đoàn do Thủ tướng Lý Cường dẫn đầu đến Đức ngày 20/6.
Dù vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn lo ngại căng thẳng Mỹ - Trung sẽ tiếp diễn và tìm kiếm phương án thay thế. Chẳng hạn, Sequoia Capital quyết định tách bộ phận Trung Quốc. AstraZeneca cân nhắc giải tán bộ phận ở đây. Các hãng công nghệ như Apple đang mở rộng chuỗi cung ứng tại Đông Nam Á và Ấn Độ nhằm giảm lệ thuộc vào đại lục.
(Theo Nikkei)