Thanh tra TP.HCM vừa thông báo kết luận thanh tra trách nhiệm thủ trưởng trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại UBND huyện Bình Chánh. Thời kỳ thanh tra là năm 2017, 2018 và 6 tháng đầu năm 2019.
Qua thanh tra, Thanh tra TP.HCM xác định việc quản lý, sử dụng mặt bằng nhà, đất tại UBND huyện Bình Chánh chưa chặt chẽ; rà soát, kê khai chưa đầy đủ các địa chỉ nhà, đất để trình UBND Thành phố phê duyệt phương án xử lý tổng thể nhà, đất.
Cụ thể, qua tự rà soát, UBND huyện Bình Chánh báo cáo hiện có tổng số 763 địa chỉ nhà đất nhưng thời điểm năm 2008 huyện chỉ tham mưu UBND Thành phố phê duyệt phương án xử lý chỉ 378 địa chỉ. Báo cáo trùng 100 địa chỉ nhà đất đã được phê duyệt cho Thanh tra Bộ Tài chính năm 2010.
Điều này dẫn đến Thanh tra Bộ Tài chính phải yêu cầu huyện bổ sung 258 địa chỉ. Tuy nhiên thực tế số địa chỉ kê khai bổ sung theo chỉ đạo chỉ là 160 địa chỉ, trong đó có 1 trường hợp tách thành 3 địa chỉ.
Bình Chánh "quên” kê khai gần 400 công sản, tự ý cho thuê mặt bằng tại trung tâm văn hoá huyện. |
Còn 74/372 trường hợp chậm thực hiện theo phương án xử lý tổng thể nhà, đất được UBND Thành phố phê duyệt. Kiểm tra hiện trạng 25 địa chỉ thì có 6 nhà đất sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích.
Đơn cử như Trung tâm Văn hoá liên xã tại xã Tân Nhựt để người dân vào xây nhà tạm; cho thuê mặt bằng tại Trung tâm Văn hoá – Thể dục thể thao huyện; không sử dụng Trường Mầm non Hoa Hồng – Tuổi thơ 8...
Tại Trung tâm Văn hoá – Thể dục thể thao, huyện thực hiện ký 7 hợp đồng liên kết với các đơn vị (thực chất là cho thuê mặt bằng) khi chưa xin ý kiến UBND Thành phố, chưa đúng quy định về sử dụng tài sản Nhà nước, chưa tổ chức đấu giá để định giá cho thuê. Tổng số tiền huyện thu được từ tháng 1/2017 đến tháng 9/2019 là gần 940 triệu đồng.
Theo giải trình của huyện Bình Chánh, số tiền này đã chi hết để phục vụ cho các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao của huyện cũng như các hoạt động khác, có ghi nhận trong sổ sách kế toán và hiện Trung tâm văn hoá không có khả năng hoàn trả. Thanh tra TP.HCM thống nhất không thu hồi khoản tiền này và yêu cầu Trung tâm văn hoá huyện chấm dứt việc cho thuê trái quy định.
Bên cạnh đó, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích huyện Bình Chánh (Công ty DVCI Bình Chánh), đơn vị được giao quản lý cho thuê và bán hoá giá tài sản của Nhà nước trên địa bàn huyện, nhưng việc theo dõi chưa chặt chẽ. Như báo cáo thiếu 2 căn nhà được Thành phố giao; chưa có biện pháp xử lý tình trạng các hộ dân không ký hợp đồng thuê nhà, không nộp tiền thuê nhà làm thất thu ngân sách.
Quá trình bán hoá giá 9 căn nhà, Công ty DVCI Bình Chánh chưa tuân thủ nghiêm quy trình như: Chưa có biên bản thanh lý hợp đồng mua bán nhà hoá giá đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà với 7 căn; lập thủ tục hoá giá 1 căn nhà từ năm 2017 nhưng đến nay chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong khi chủ hộ đã hoàn tất thanh toán.
Để xảy ra các sai phạm trên, Thanh tra TP.HCM xác định có trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh; Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách lĩnh vực; Trưởng Phòng Tài chính – Kế hoạch; Giám đốc Trung tâm Văn hoá – Thể dục thể thao huyện; Chánh Thanh tra huyện và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Về việc kê khai thiếu các địa chỉ nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước qua các thời kỳ cũng như chậm thực hiện chỉ đạo, Chủ tịch UBND TP.HCM giao Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh kiểm điểm, xác định trách nhiệm các tổ chức, cá nhân.
TP.HCM thanh tra toàn diện quản lý đất đai, trật tự xây dựng ở huyện Bình Chánh
- Thanh tra TP.HCM sẽ tiến hành thanh tra toàn diện công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Bình Chánh từ năm 2016 nay.
Phương Anh Linh