Sở TT&TT tỉnh Bình Định vừa tiến hành rà soát tình hình đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin cơ bản tại UBND cấp huyện và UBND xã trên địa bàn tỉnh.
Theo kết quả khảo sát, tại cấp huyện, tỷ lệ trang bị máy tính cho cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách đạt 98,8%. Hiện có 105/153 đơn vị phòng, ban cấp huyện báo cáo có trang bị mạng LAN tại cơ quan làm việc, còn 48 cơ quan, đơn vị chưa có mạng LAN, tập trung tại các huyện An Lão, Hoài Ân, Phù Cát, Phù Mỹ, Quy Nhơn, An Nhơn, Hoài Nhơn, Vĩnh Thạnh, Vân Canh.
Tại cấp xã, phường, tỷ lệ trang bị máy tính cho cán bộ công chức và người hoạt động không chuyên trách đạt 83%. Trong số 155 UBND cấp xã báo cáo số liệu, có 67 UBND xã, phường chưa thiết lập mạng LAN tại trụ sở làm việc.
Về hạ tầng triển khai Đề án 06, có 5/11 địa phương đã trang bị các thiết bị, phần mềm tường lửa để bảo vệ hệ thống thông tin tại cơ quan, đơn vị. Số lượng các thiết bị mạng chính như thiết bị định tuyến (Router), thiết bị chuyển mạch (Switch) được đầu tư đảm bảo đầy đủ số lượng. Tuy nhiên, các thiết bị đã qua nhiều năm sử dụng, chưa được nâng cấp, tiềm ẩn các lỗ hổng bảo mật.
Số lượng máy tính có trang bị phần mềm diệt virus bản quyền tại các phòng, ban của huyện là 798/989 máy; Kênh truyền Internet tại các đơn vị đảm bảo tốc độ trung bình đạt 100Mbps. Các trang thiết bị tại bộ phận “một cửa” được trang bị tương đối đầy đủ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh.
Trang bị đầy đủ máy tính cho cán bộ công chức
Sở TT&TT tỉnh Bình Định đã tiến hành kiểm tra thực tế 17 đơn vị xã, phường thị trấn thuộc TP Quy Nhơn, thị xã Hoài Nhơn, huyện An Lão, Hoài Ân, Phù Cát, Vĩnh Thạnh.
Kết quả kiểm tra cho thấy, các đơn vị có trang bị đầy đủ máy vi tính cho các cán bộ công chức, có kết nối mạng Internet. Trong đó, 2 xã An Hòa, An Quang của huyện An Lão đã đầu tư mạng LAN. Tuy nhiên, hiện có một số máy tính đã qua sử dụng nhiều năm, có cấu hình thấp, chưa sử dụng phần mềm diệt virus bản quyền để bảo vệ an toàn dữ liệu.
Còn 15 đơn vị chưa có mạng LAN, các máy tính đã qua sử dụng nhiều năm, có cấu hình thấp; chưa đầu tư phần mềm diệt virus bản quyền cho máy tính; chưa ban hành các quy định, quy chế về bảo đảm an toàn thông tin.
Hệ thống mạng internet tại các xã, thị trấn được đầu tư phân tán, mỗi đơn vị phòng, ban tự đầu tư đường truyền riêng; có đơn vị thiết lập mỗi tầng làm việc của cơ quan là 1 đường truyền internet; mỗi hệ thống mạng sử dụng thiết bị Hub đã cũ, qua sử dụng nhiều năm để chia cổng kết nối, dẫn đến mất ổn định hệ thống, chiếm băng thông.
Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bình Định cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan đơn vị thực hiện xây dựng và xác định cấp độ đối với các hệ thống thông tin do đơn vị vận hành. Qua đó, hoàn thiện các phương án an toàn thông tin tại cơ quan, đơn vị nhằm bảo vệ dữ liệu của tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động trên môi trường mạng.
Đồng thời, thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin dùng chung trên địa bàn tỉnh phục vụ kết nối kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bổ sung tiêu chí “chấm điểm”hạ tầng CNTT
Trước thực trạng hạ tầng CNTT như trên, ngày 3/9, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn đã ký văn bản yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, xây dựng kế hoạch khắc phục các tồn tại, hạn chế về hạ tầng CNTT cơ bản tại các cơ quan, đơn vị cấp huyện, cấp xã thuộc phạm vi quản lý với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, khả thi; phân công rõ trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có liên quan và quy định cụ thể thời gian hoàn thành.
Kể từ năm 2024 trở đi, UBND các huyện, thị xã, thành phố phải có kế hoạch bảo đảm hạ tầng CNTT phục vụ chuyển đổi số và bố trí kinh phí thực hiện hàng năm theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh để theo dõi, đánh giá, đôn đốc việc thực hiện.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng yêu cầu Sở TT&TT hướng dẫn cụ thể các yêu cầu đối với hạ tầng CNTT cơ bản phục vụ chuyển đổi số tại cấp huyện, cấp xã. Trong đó, lưu ý các vấn đề quy chuẩn về cấu hình máy tính, các trang thiết bị công nghệ thông tin có liên quan và tốc độ tối thiểu đối với đường truyền internet, đường truyền số liệu chuyên dùng..., bảo đảm tính đồng bộ và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công việc.
Làm đầu mối phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị viễn thông trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng đường truyền internet và đường truyền số liệu chuyên dùng theo quy định.
Tăng cường công tác kiểm tra việc khắc phục, thường xuyên cập nhật tình trạng hạ tầng CNTT cơ bản của các địa phương cấp huyện, cấp xã và tổng hợp, báo cáo, đề xuất cụ thể cho Chủ tịch UBND tỉnh trong các báo cáo công tác chuyển đổi số, công tác kiểm soát thủ tục hành chính định kỳ hằng tháng, quý, năm theo quy định.
“Sở Nội vụ phối hợp với Sở TT&TT xây dựng bổ sung các tiêu chí đánh giá về “thực trạng hạ tầng CNTT cơ bản tại cấp huyện, cấp xã” vào nội dung Bộ Chỉ số cải cách hành chính khối UBND cấp huyện với cơ cấu điểm số hợp lý, đảm bảo khẳng định được ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề đáp ứng điều kiện hạ tầng CNTT cơ bản trong công tác xây dựng chính quyền điện tử phục vụ chuyển đổi số…”, văn bản nêu rõ.
Diễm Phúc