Đầu tư phát triển hạ tầng thông tin, phát triển kinh tế số, đẩy mạnh chuyển đổi số, kết nối giao thương tìm đầu ra cho sản phẩm, đưa sản phẩm đặc trưng của tỉnh lên sàn thương mại điện tử… là một trong những chiến lược giảm nghèo thông tin tiến tới giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách của các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo trên địa bàn của tỉnh Bình Định.
Đầu tư phát triển hạ tầng thông tin
Tính đến đầu năm 2022, theo chuẩn nghèo mới ban hành cho giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh Bình Định còn 25.088 hộ nghèo (chiếm 5,72%) và 24.280 hộ cận nghèo (chiếm 5,54%), tập trung chủ yếu tại 3 huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh và An Lão. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu như: Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm bình quân từ 1,5%-2%/năm, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 3% đến 4%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở huyện An Lão giảm bình quân trên 5%/năm.
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Bình Định triển khai thực hiện 7 dự án liên quan đến lĩnh vực giảm nghèo bền vững, bao gồm: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế -xã hội của huyện nghèo An Lão; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện An Lão; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá.
Trong kế hoạch thực hiện về giảm nghèo thông tin, tỉnh Bình Định đặt mục tiêu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sử dụng dịch vụ viễn thông, tiếp cận thông tin, giảm nghèo về thông tin.
Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống thông tin cơ sở; đảm bảo 100% xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đảo có hệ thống đài truyền thanh hoạt động, phục vụ tốt cho công tác thông tin, tuyên truyền và quản lý, điều hành tại địa phương.
Đồng thời, tăng cường thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu cho xã hội, nhất là cung cấp thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, thông tin cho người dân sinh sống trên địa bàn các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bao gồm thông tin về kiến thức, kỹ năng, mô hình, kinh nghiệm lao động, sản xuất, kinh doanh; truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội, của người nghèo về công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội bền vững.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường tiếp cận thông tin thiết yếu cho cộng đồng dân cư; đảm bảo 100% xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, có điểm cung cấp thông tin công cộng phục vụ người dân sử dụng dịch vụ thông tin thiết yếu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các khu vực này.
Ngoài ra, tỉnh ưu tiên phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng tại các xã miền núi, xã đảo và xã trung du. Nghiên cứu, phê duyệt các vị trí xây dựng trạm thu phát sóng di động BTS cho các doanh nghiệp viễn thông để nâng cao diện phủ sóng băng thông rộng (3G, 4G) trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 100% dân số được phủ sóng 4G và 100% người sử dụng dịch vụ di động có điện thoại di động thông minh. Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã; 100% số thuê bao di động là băng rộng, số thuê bao băng rộng cố định trên 100 dân đạt tỷ lệ 26%; 100% các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, cơ quan nhà nước có kết nối băng rộng cố định, bệnh viện có kết nối 200 Mb/s. Trang bị cơ sở vật chất cho hoạt động thông tin cơ sở tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Đầu tư cải tạo, nâng cấp hạ tầng băng thông rộng hiện có đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ chất lượng tốt, tốc độ cao và ổn định. Đồng thời cần ưu tiên phát triển mới cột ăng ten thu, phát sóng thông tin di động, với các loại cột, trụ thân thiện môi trường, ngụy trang, không cồng kềnh trong đô thị. Tiếp tục triển khai việc cải tạo và sử dụng chung các cột ăng ten thu, phát sóng thông tin di động hiện có.
Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ công tác thông tin, tuyên truyền cho cán bộ làm công tác thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, đầu tháng 12/2022, tại TP Quy Nhơn, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai, tập huấn, hướng dẫn thực hiện các hoạt động giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh năm 2022 với gần 200 đại biểu là đại diện lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố; lãnh đạo và cán bộ phòng văn hóa-thông tin, trung tâm văn hóa các huyện, thị xã, thành phố, lãnh đạo UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh tham dự.
Doanh nghiệp viễn thông xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng chất lượng cao trên toàn tỉnh, ưu tiên phát triển tại cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện. Khuyến khích doanh nghiệp viễn thông thí điểm và nhân rộng phát triển mạng 5G tại các thị xã, thành phố. Phát triển hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT).
Phát triển hạ tầng dữ liệu gồm xây dựng kho dữ liệu dùng chung để cung cấp dữ liệu phục vụ công tác điều hành, quản lý và khai thác trực tiếp giúp xây dựng các ứng dụng mới; triển khai có hiệu quả các nền tảng số dùng chung như nền tảng định danh và xác thực điện tử quốc gia, trao đổi định danh và xác thực điện tử, thanh toán điện tử…
Nhân rộng, phát triển các dịch vụ của đô thị thông minh gắn với chính quyền điện tử. Đồng thời, xây dựng chương trình đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số, phát triển chính quyền số cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước.
Với những mục tiêu cụ thể và sự nỗ lực của các cấp chính quyền, thời gian gần đây, người dân sinh sống tại các vùng khó khăn đã ứng dụng thành công công nghệ thông tin. Không chỉ được thường xuyên cập nhật tin tức và kết nối mà các ứng dụng công nghệ thông tin còn được sử dụng để quảng bá văn hóa - du lịch trực tuyến trên các nền tảng thông tin xã hội, đồng thời giới thiệu hàng hóa, đặc sản của địa phương lên mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trong tỉnh và cả nước.
Kết nối thương mại điện tử, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản
Bình Định có điều kiện tự nhiên đất đai, khí hậu thích hợp để phát triển, các giống cây trồng như lúa, mai vàng, dừa và nhiều loại rau sạch an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP hay các sản phẩm khác của làng nghề Bàu Đá, Mỹ An,… là những sản phẩm có chất lượng tốt, có tiềm năng phủ sóng tại các tỉnh thành khác trên cả hai kênh phân phối truyền thống và hiện đại.
Với quan điểm OCOP là chương trình phát triển kinh tế vùng nông thôn theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị cho các sản phẩm thế mạnh, đặc biệt là các sản phẩm nông sản ở những vùng sâu, vùng xa, hải đảo, giúp phát triển kinh tế bền vững, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách để thực hiện chương trình.
Đến nay tỉnh Bình Định có trên 100 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP với chất lượng mẫu mã đẹp, đủ điều kiện tiêu thụ vào các kênh bán lẻ hiện đại. Tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức lưu chuyển hàng hoá và doanh thu dịch vụ xã hội giai đoạn 2016 - 2021 (đạt 405.642 tỷ đồng) là 9,6%.
Ngoài ra, từ đầu năm 2022 đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định triển khai hàng loạt giải pháp chuyển đổi số. Lĩnh vực trồng trọt đã triển khai thu thập thông tin truy xuất nguồn gốc bằng mã QR cho rau an toàn hợp chuẩn VietGAP nhãn hiệu “Lá lành” của hợp tác xã Phước Hiệp và hợp tác xã Thuận Nghĩa. Ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định sử dụng phần mềm trong quản lý dữ liệu về bảo vệ thực vật, quản lý dịch bệnh hại.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định phối hợp với Sở Công Thương và Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng kênh thông tin cho các sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh; hỗ trợ đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử Postmart và Voso.
Thời gian tới, tỉnh Bình Định cùng các doanh nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa trong công tác hỗ trợ hàng Việt thông qua các chương trình, đề án đang được triển khai hiệu quả trong khuôn khổ triển khai cuộc vận động để hỗ trợ hàng Việt, doanh nghiệp Việt.
Đẩy mạnh phân phối sản phẩm nông sản của Bình Định qua “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn thương mại điện tử để đưa sản phẩm nông sản hướng tới một kênh phân phối mới, hiện đại và bền vững trên nền tảng số, kết nối bán hàng trực tuyến với các kênh bán hàng trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ xây dựng và quảng bá thương hiệu nông sản; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, mở rộng thị trường trong nước cũng như nước ngoài. Ứng dụng thương mại điện tử để đẩy mạnh xuất khẩu các ngành hàng chủ lực, đồng thời mở rộng tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại địa phương.
Chiến lược nâng cao hạ tầng thông tin, đẩy mạnh chuyển đối số, kết nối thương mại điện tử của tỉnh sẽ thu hẹp khoảng cách giữa các khu vực trong tỉnh, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, khó khăn, ven biển và hải đảo, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Quỳnh Nga