Đào tạo nghề cho lao động nông thôn dựa trên nhu cầu thực tế, gắn với công tác giảm nghèo bền vững là hướng đi trọng tâm được tỉnh Bình Định đã và đang triển khai mạnh mẽ.
Giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Bình Định phấn đấu giảm ½ số hộ nghèo, hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo tiêu chí nghèo đa chiều của quốc gia; 100% huyện nghèo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, như đường giao thông, trường học, cơ sở y tế, cầu, hạ tầng điện, công trình thủy lợi; hỗ trợ xây dựng nhân rộng trên 100 mô hình, dự án giảm nghèo phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo.
Phấn đấu 80% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập. Phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững.
Trong đó, phát triển giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm tạo việc làm bền vững là một trong những giải pháp thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra trong công tác giảm nghèo bền vững của tỉnh.
Đào tạo nghề nông thôn theo nhu cầu
Việc đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội, tạo việc làm, cơ hội lập nghiệp, giúp ổn định đời sống người dân được xem là giải pháp quan trọng góp phần giảm nghèo bền vững. Người dân đã ý thức được việc học nghề để tìm kiếm việc làm, cập nhật kiến thức khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất. Các cơ sở dạy nghề cũng đã chuyển từ đào tạo theo năng lực sẵn có sang đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, địa phương.
Thời gian qua, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đã được cấp ủy, chính quyền các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh Bình Định quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tích cực. Theo đó, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và nhân dân đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn.
Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn từng bước được đổi mới. Phương pháp, hình thức dạy nghề chuyển dịch theo hướng lấy người học là trung tâm; tích hợp kiến thức, kỹ năng, tác phong làm việc chuyên nghiệp hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học.
Việc đánh giá kỹ năng nghề được chú trọng, đảm bảo học viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo có khả năng thực hành nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu của đơn vị tuyển dụng và thị trường lao động. Nhiều hình thức dạy nghề được áp dụng như dạy tập trung, dạy tại cơ sở sản xuất kinh doanh, liên kết giảng dạy... nhằm đáp ứng nhu cầu người học, đa dạng hóa ngành nghề đào tạo
Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Đình đã được tinh gọn; năng lực, hiệu quả hoạt động ngày càng được nâng cao. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, toàn tỉnh Bình Định có 27 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp; 1.353 cán bộ quản lý, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.
Các cấp chính quyền trong tỉnh đã quan tâm đầu tư ngân sách cũng như sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư phát triển các chương trình, giáo trình, học liệu và đầu tư mới các thiết bị đào tạo nghề; đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề với tổng kinh phí thực hiện từ ngân sách trong 10 năm qua trên 183.592 triệu đồng.
Công tác tư vấn, khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề được quan tâm thực hiện; các kế hoạch dạy nghề được xây dựng phù hợp với thị trường lao động và nhu cầu thực tế của người học; đồng thời tích cực nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với tư vấn, giới thiệu việc làm và tạo việc làm mới cho lao động nông thôn.
Theo báo cáo, trong 10 năm qua, toàn tỉnh Bình Định đã hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng) cho 12.500 lao động nông thôn trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
Sau khi học nghề, tất cả học viên đều có việc làm hoặc tự tạo việc làm cho bản thân và gia đình. Đặc biệt có nhiều học viên là người khuyết tật, sau khi học xong các lớp đào tạo nghề đã có việc làm ổn định, vừa tạo thu nhập cho gia đình vừa tạo việc làm cho nhiều người cùng cảnh ngộ tại địa phương.
Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề đạt trên 80%. Sau học nghề, nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư sản xuất và ứng dụng những kiến thức, kỹ năng và những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, quy trình mới trong chăn nuôi, canh tác, sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập cho người lao động.
Trước đây, thu nhập bình quân của người lao động nông thôn chỉ từ 1,3 – 1,7 triệu đồng/người/tháng, nhưng sau khi học nghề, thu nhập bình quân đã tăng lên từ 3 – 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Công tác đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Số lượng thanh niên nông thôn được đào tạo nghề ngày càng tăng, chất lượng, hiệu quả đào tạo bồi dưỡng nghề được nâng lên, đáp ứng nhu cầu phát triển các ngành nghề tại địa phương.
Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp nghề cho trên 5.460 thanh niên nông thôn; liên kết đào tạo nghề theo yêu cầu cho gần 10.300 lao động là thanh niên nông thôn đang làm việc tại các doanh nghiệp; góp phần tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Các thanh niên sau khi học nghề đã biết cách tiếp cận và vận dụng kiến thức khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất lao động, tìm kiếm được việc làm có thu nhập ổn định, góp phần giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn. Kết quả tạo nghề cho lao động nông thôn đã tác động đáng kể đến công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
Dạy nghề - chìa khóa giúp phụ nữ nghèo vươn lên trong cuộc sống
Thời gian qua, ngoài đổi mới phương thức đào tạo nghề, các cấp, các ngành trong tỉnh đã chú trọng triển khai thực hiện công tác dạy nghề và tạo việc làm cho lao động nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, lao động nữ, các đối tượng chính sách; thực hiện có hiệu quả chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh nghèo ở các cấp học, bậc học theo quy định; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo mới thoát nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.
Trong đó, phụ nữ trong các hộ nghèo, cận nghèo là đối tượng đặc biệt được tỉnh Bình Định quan tâm, chú trọng.
Theo đó, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho hội viên phụ nữ là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt của các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, giúp chị em có thêm kiến thức mới để áp dụng vào quy trình chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống và ngày càng gắn bó với phong trào phụ nữ và hoạt động công tác Hội.
Cuối năm 2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã An Nhơn, thị trấn Vĩnh Thạnh, thị trấn Tuy Phước đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên của huyện và thị xã khai giảng 6 lớp đào tạo nghề cho 193 lao động nông thôn là hội viên, phụ nữ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo tại các xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thịnh (huyện Vĩnh Thạnh), Nhơn Hòa (thị xã An Nhơn) và thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước). Các nghề được đào tạo gồm: may công nghiệp, quản lý dịch vụ tổng hợp, kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho đàn lợn, trồng nấm và chăn nuôi gà....
Việc mở các lớp dạy nghề hướng tới thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Với thời gian đào tạo trong 2 tháng với phương pháp giảng dạy chủ yếu là lý thuyết kết hợp với thực hành, các chị em sẽ được cung cấp những kiến thức cơ bản về cách chuẩn bị chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi heo; nuôi gà; kiến thức về quản lý dịch hại trên cây trồng, vật nuôi; kỹ thuật may quần, áo cơ bản…
Kết thúc khóa học, các học viên đạt yêu cầu sẽ được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề. Các cấp Hội sẽ xem xét, tạo điều kiện cho chị em vay vốn để đầu tư trồng nấm và mua máy may công nghiệp, chăn nuôi gà nhằm giúp tạo việc làm cho hội viên phụ nữ, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình vươn lên thoát nghèo.
Quỳnh Nga