Quyết tâm nâng hạng, trở lại Top 10 cả nước về PCI, Bình Dương xác định cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với chuyển đổi số là một giải pháp căn cơ, lâu dài cần thực hiện quyết liệt.
Đại biểu khối doanh nghiệp góp ý giải pháp nhằm cải thiện và nâng cao chỉ số PCI tại hội thảo vừa được tỉnh tổ chức.
Tháo gỡ những điểm nghẽn
Theo kết quả công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chỉ số PCI Bình Dương năm 2022 đạt 65,13 điểm (giảm 4,48 điểm), xếp thứ 36/63 tỉnh, thành trong cả nước, tức giảm đến 30 hạng so với năm 2021. Chỉ có 1 chỉ số tăng điểm (chiếm 10% trọng số) và 9 chỉ số giảm điểm (chiếm 90% trọng số).
Ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), cho biết kết quả đánh giá này đã phản ánh rõ nét, bên cạnh các điểm mạnh về nền tảng kết cấu hạ tầng công nghiệp đứng thứ 3 cả nước, tỉnh còn nhiều hạn chế về thái độ, động thái, nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp (DN).
UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành kế hoạch cải thiện, nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh giai đoạn 2023- 2025. Theo đó, kế hoạch tập trung vào 2 mục tiêu: Đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thu hút nhiều DN đến với Bình Dương; tăng cường phối hợp, nâng cao tính chủ động, hiệu quả trong quản lý điều hành, hướng dẫn, hỗ trợ hướng đến sự hài lòng của người dân và DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ.
Dưới góc nhìn của DN, ông Phan Tấn Đạt, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương, đại diện Hội DN trẻ tỉnh, chia sẻ tỉnh đã làm rất tốt các chính sách hỗ trợ DN trong thời gian qua. Tuy nhiên, thời gian tới, Bình Dương cần đơn giản hóa các TTHC, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư và kết nối giao thương, hỗ trợ DN các vấn đề liên quan đến đổi mới công nghệ, chuyển đổi số. Đồng thời nâng cao hơn nữa chỉsốđào tạo lao động, nâng cao chất lượng lao động cũng như các vấn đề để người lao động an cư, lạc nghiệp.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư trăn - cá sấu Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày tỉnh, cũng cho biết DN mong chính quyền tiếp tục cải cách TTHC bằng cách phân cấp, phân quyền cho cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ. Nếu được tạo thuận lợi không chỉ DN được hưởng lợi mà chính địa phương cũng được hưởng lợi. Nút thắt tồn tại và khó tháo gỡ nhất hiện nay là tính liên thông, liên ngành trong giải quyết các vướng mắc hồ sơ cho DN.
Trên thực tế, số lượng DN ở Bình Dương lớn hơn rất nhiều các địa phương khác. Do đó số lượng công việc nhiều, thường xuyên phát sinh đột xuất nhiệm vụ mới ngoài các nhiệm vụ được phân công theo quy định pháp luật và số lượng hồ sơ phải giải quyết trong ngày nhiều. Cụ thể, trung bình một nhân sự xử lý chính phải tiếp nhận 76,5 hồ sơ/ngày. Tính từ tháng 5-2022 đến 27-3-2023, số lượng hồ sơ được giải quyết thêm ngoài giờ làm việc là 15.936.
Ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh cho biết với số lượng cán bộ được phân công phụ trách tại bộ phận một cửa khó có thể thực hiện tốt công tác chuyên môn và nhiệm vụ. Điều này gây áp lực lớn đối với việc đăng ký DN, đồng thời cũng gây ảnh hưởng đến sự hài lòng của DN, làm ảnh hưởng đến các chỉ số thành phần PCI của tỉnh.
Tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi
Theo số liệu thống kê, ước tính 10 tháng năm 2023, Bình Dương đã thu hút 5.399 DN đăng ký mới với số vốn đăng ký 71.443 tỷ đồng, nâng tổng số DN trên địa bàn tỉnh lên 64.631 DN, tổng vốn 702.000 tỷ đồng.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI, Giám đốc dự án PCI, cho biết là người nhiều năm theo dõi những hoạt động liên quan đến chỉ số PCI của Bình Dương, có thể thấy PCI của tỉnh chưa tương xứng nếu so với vị thế, tiềm năng và quyết tâm của các cấp chính quyền tỉnh.
Việc Bình Dương quyết tâm cải thiện PCI thể hiện rõ nhận thức và hành động một cách chủ động, cầu thị nhằm hỗ trợ DN kịp thời, thiết thực. Song Bình Dương là địa bàn có số lượng DN lớn nên khối lượng công việc nhiều hơn các địa phương khác. Vì thế, Bình Dương cần chú trọng vào ứng dụng công nghệ thông tin triệt để nhằm giải quyết TTHC một cách nhanh chóng.
Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết Bình Dương xác định chỉ số PCI là thước đo để xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh cho cộng đồng DN, tạo tiền đề để Bình Dương phát triển bền vững. Tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường đối thoại với DN, từ đó sẽ có những chính sách rõ ràng, nhất quán tháo gỡ khó khăn; chú trọng vai trò, tiếng nói của cộng đồng, hiệp hội DN trong quá trình hoạch định, giám sát thực thi chính sách của tỉnh. Cùng với đó là duy trì và đổi mới nội dung các hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với nhà đầu tư, DN để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sôi động, kết quả cải thiện chỉ số PCI của các địa phương trên phạm vi toàn quốc đang rất nhanh chóng, Bình Dương càng nỗ lực và quyết tâm nhiều hơn nữa. Với tinh thần cầu thị, lắng nghe, lãnh đạo tỉnh tiếp thu và trân trọng tất cả các ý kiến của DN, chuyên gia. Bình Dương quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, cải thiện chỉ số PCI và cam kết sẽ luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN trên địa bàn tỉnh vượt khó, yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI, Giám đốc dự án PCI: Chỉ số PCI thể hiện sức mạnh, hiệu quả điều hành, phục vụ DN trên địa bàn một tỉnh, thành phố. Cải thiện PCI là làm cho DN, nhà đầu tư hài lòng. Để làm được điều này, Bình Dương cần tập trung vào những vấn đề DN đang gặp khó khăn. Đó là giải quyết TTHC nhanh hơn, cán bộ công chức phải có tinh thần chủ động hỗ trợ DN, nhà đầu tư nhiều hơn, đặc biệt là DN vừa và nhỏ.
NGỌC THANH (Báo Bình Dương)