Đẩy mạnh liên kết để có sự thuận lợi trên chính “sân nhà”
Theo đánh giá của nhóm chuyên gia Khoa Quản lý công nghiệp, Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương nằm trong tốp 5 các địa phương có ngành CNHT phát triển mạnh của cả nước gồm: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai và Bắc Ninh.
Sự phát triển của CNHT đã bước đầu hình thành sự liên kết sản xuất giữa các DN trong nước và các DN FDI. Đồng thời, tạo điều kiện cho các DN trong nước từng bước tiếp cận công nghệ tiên tiến và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ngành công nghiệp. Trong thời gian tới cần đẩy mạnh sự liên kết giữa các DN trong nước, tạo đà cho công nghiệp phát triển.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty Esquel Việt Nam (KCN VSIP, TX.Thuận An) Ảnh: P.LÊ |
Theo ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện Bình Dương, hiện nay các DN cơ điện có rất nhiều điều kiện đáp ứng tốt nhu cầu của các nhà xuất khẩu, song lại chưa thể cung ứng nhiều cho thị trường trong nước. Ông Trọng mong muốn các cấp, các ngành tạo những điều kiện thuận lợi để các DN đẩy mạnh liên kết để có sự thuận lợi trên chính “sân nhà”.
Còn ông Đào Minh Ngọc, Giám đốc Công ty Phương Vy (TP.Thuận An), cho rằng cùng với sự nỗ lực của DN, Nhà nước cần phát huy vai trò là “bà đỡ”, đặc biệt là hỗ trợ DN nhỏ, vừa và siêu nhỏ trong việc bảo đảm môi trường kinh doanh thuận lợi, chi phí gia nhập thị trường thấp, khuyến khích nguồn vốn tư nhân.
Ông Ngọc dẫn chứng, hiện nay, các DN ngành cơ điện trong tỉnh đã làm chủ công nghệ chế tạo một số loại động cơ, máy móc, công cụ… đạt chất lượng để phục vụ ngành công nghiệp sản xuất trong và ngoài nước, tuy nhiên vẫn còn không ít khó khăn. Dù là đối tác của các nhãn hiệu lớn song vẫn còn nhiều hạn chế.
Về thị trường, ngành cơ khí Việt Nam khá đa dạng về sản phẩm nhưng đang phải cạnh tranh ngày càng gay gắt với sản phẩm nhập khẩu. Bên cạnh đó, việc mở rộng thị trường vẫn còn nhiều khó khăn do thiếu thông tin và năng lực cạnh tranh trong nước chưa đủ mạnh, cũng như chưa xây dựng được thương hiệu và được nhiều khách hàng biết đến.
Bên cạnh thị trường, trình độ khoa học - công nghệ được xem là điểm yếu điển hình của ngành cơ khí Việt Nam. Điều này thể hiện rõ là ngành cơ khí trong nước có rất ít phát minh, sáng chế được đăng ký; thiết bị và trình độ công nghệ toàn ngành nhìn chung còn chậm đổi mới; các DN cơ khí thiếu đầu ra cho sản phẩm nên cũng không có cơ hội tích lũy và đầu tư đổi mới công nghệ.
Trong khi đó, hàng rào kỹ thuật trong lĩnh vực cơ khí của Việt Nam vẫn chưa phát triển đủ mạnh để bảo vệ người tiêu dùng trong nước trước hàng nhập khẩu có chất lượng không phù hợp. Ngoài ra, hạn chế của ngành cơ khí còn thể hiện ở góc độ nguyên phụ liệu hầu hết phải nhập khẩu; nguồn nhân lực thiếu và yếu cả về số lượng lẫn chất lượng; vai trò của hiệp hội ngành nghề chưa phát huy hiệu quả.
Bởi vậy, ông Ngọc đề xuất tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư từ mọi thành phần kinh tế vào lĩnh vực CNHT nhằm gia tăng số lượng và chất lượng DN hoạt động. Xem xét hỗ trợ các DN đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nghiên cứu phát triển, chuyển giao ứng dụng và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu.
Phát triển cụm công nghiệp hỗ trợ
Theo Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh, việc phát triển các CCN để thu hút các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ là phù hợp với đặc thù phát triển của Bình Dương.
Bình Dương khuyến khích các cụm công nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện. Ảnh minh họa. |
Mặc dù nằm trong nhóm 5 địa phương có ngành CNHT phát triển mạnh, song hiện nay, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Bình Dương vẫn có quy mô nhỏ, nhu cầu sử dụng đất thấp, trong khi các KCN cho thuê đất với diện tích lớn, vượt quá khả năng của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Để cải thiện tình hình, theo ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao, nâng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm...
Cụ thể, Bình Dương chú trọng ưu tiên phát triển các ngành CNHT, sớm hoàn chỉnh quy hoạch vùng nguyên phụ liệu và vùng CNHT. Tinh thần chung là tỉnh tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc mời gọi đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh các dự án thuộc lĩnh CNHT.
Để thu hút nguồn lực đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong và ngoài nước đầu tư, Bình Dương đã và đang khuyến khích DN phát triển sản xuất, kinh doanh từng nhóm sản phẩm hỗ trợ thích ứng. Ngoài ra, Bình Dương cũng đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, nguyên vật liệu hỗ trợ cho các ngành công nghiệp, hỗ trợ các DN vừa và nhỏ tham gia sản xuất các loại sản phẩm CNHT.
Minh Đức