Tăng cường tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm
Tính đến cuối tháng 8, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có tổng 760.229 con heo, tăng 4,4%; tổng đàn gia cầm 15.209.700 con, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2023, tổng đàn trâu 3.736 con, đàn bò 19.386 con.
Thời gian qua Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản cùng các cơ quan chuyên môn của tỉnh phối hợp thường xuyên tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường tại các cơ sở có hợp đồng nuôi gia công; phối hợp với các chủ trang trại thực hiện tốt công tác tiêm phòng cho gia súc, gia cầm, nên dịch bệnh trên gia súc, gia cầm không phát tán diện rộng, góp phần bảo đảm ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển ổn định, hiệu quả.
Nhằm bảo vệ đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, mới đây UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3531/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Theo đó, Kế hoạch nhằm tập trung sự quan tâm, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của UBND các cấp, các ngành và nhân dân trong việc phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Trong đó, chủ động phát hiện sớm và không để lây lan dịch bệnh, khống chế các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây từ động vật sang người; phát triển chăn nuôi bền vững, tạo ra sản phẩm chăn nuôi có giá trị cao, hướng tới đạt yêu cầu xuất khẩu và đảm bảo nguồn cung ứng thực phẩm ổn định, an toàn cho người tiêu dùng.
Song song đó, các đơn vị thường xuyên thông tin, tuyên truyền trên diện rộng đến từng đối tượng cụ thể về các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học và cảnh báo những tác hại của dịch bệnh gia súc, gia cầm. Cùng với đó, định kỳ tổ chức tập huấn cho công chức, viên chức, nhân viên thú y xã, phường, thị trấn và người chăn nuôi, người kinh doanh, các tổ chức và cá nhân có liên quan về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như các chủ trương, chính sách, quy định, hướng dẫn của Nhà nước về lĩnh vực phòng, chống dịch bệnh động vật.
Sẵn sàng các giải pháp phù hợp
Kế hoạch tập trung thực hiện một số giải pháp: Ban hành các văn bản hướng dẫn tiêm vắc xin phòng bệnh, giám sát dịch bệnh và vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi.
UBND tỉnh Bình Dương giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn khi cần thiết để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên; tổ chức mua sắm tập trung các loại vắc xin, hóa chất dùng trong thú y từ nguồn kinh phí ngân sách theo quy định, chính sách hiện hành; chỉ đạo cơ quan thú y triển khai thực hiện các giải pháp kỹ thuật, thông tin tuyên truyền theo nội dung Kế hoạch.
Cơ quan Thú y xây dựng kế hoạch và tổ chức hướng dẫn thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đối với các bệnh phải tiêm phòng theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT. Tần suất tiêm vắc xin phòng bệnh là 2 đợt/năm, khoảng thời gian giữa các đợt tiêm phòng chính thực hiện tiêm phòng bổ sung (bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò thực hiện 1 đợt tiêm phòng chính/năm). Các loại vắc xin sử dụng theo hướng dẫn, khuyến cáo sử dụng vắc xin của Bộ NN&PTNT, của Cục Thú y và căn cứ theo tình hình dịch bệnh thực tế tại địa phương.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện đồng bộ các quy định và hướng dẫn về giám sát dịch bệnh động vật trên cạn của Bộ NN&PTNT, Cục Thú ý, cơ quan thú y cấp tỉnh hướng dẫn thực hiện việc giám sát dịch bệnh định kỳ trên địa bàn tỉnh; phối hợp với ngành y tế chủ động thực hiện các biện pháp giám sát đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây từ động vật sang người.
Đồng thời tỉnh tổ chức thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng định kỳ tại các hộ, trại chăn nuôi, các điểm buôn bán gia cầm và sảm phẩm động vật, các khu vực có nguy cơ sau mỗi đợt tiêm phòng tập trung; Vệ sinh, tiêu độc khử trùng đột xuất tại ổ dịch và các vùng lân cận khi có dịch bệnh xảy ra.
Trong trường hợp cần thiết, khi có dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xảy ra trên diện rộng, Sở NN&PTNN tham mưu UBND tỉnh có văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT tham mưu, UBDN tỉnh có văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ nguồn hóa chất dự trự quốc gia để thực hiện tiêu độc khử trùng chống dịch.
Ngọc Anh